Nhịp đập thị trường

"Người đặc biệt" chỉ nói đúng một câu, cổ phiếu ngành xuất khẩu chục tỷ đô này lập tức tăng dựng đứng

Nguyên Nam 26/05/2025 14:48

Một phát ngôn bất ngờ từ Tổng thống Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa trên bảng điện tử phiên giao dịch ngày 26/5. Nhiều cổ phiếu trong nhóm xuất khẩu tỷ đô này đồng loạt bật tăng với thanh khoản ấn tượng...

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/5, nhóm cổ phiếu dệt may bật tăng mạnh trên toàn thị trường. Diễn biến tích cực này diễn ra ngay sau phát ngôn mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về định hướng ngành công nghiệp Mỹ.

detmay32.jpg
Việt Nam đã vượt Bangladesh để trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc

Trả lời báo giới tại New Jersey trước khi lên chuyên cơ Không lực Một, ông Trump cho biết Mỹ không nhất thiết cần một ngành công nghiệp dệt may bùng nổ. “Chúng tôi không muốn sản xuất áo phông hay tất chân. Chúng tôi muốn sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và thiết bị quân sự”, ông nói.

Thông điệp này được hiểu là Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục phụ thuộc tương đối nhiều vào nhập khẩu hàng tiêu dùng cơ bản như may mặc, giày dép. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới và là đối tác hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu nhóm dệt may đồng loạt giao dịch khởi sắc trong phiên sáng 26/5. Mã GIL (Gilimex) tăng trần 6,79%, đạt 17.300 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 1,2 triệu đơn vị. HTG cũng tăng hết biên độ lên 41.300 đồng/cổ phiếu. TCM (Dệt may Thành Công) và MSH (May Sông Hồng) lần lượt tăng 6,94%, đóng cửa tại 32.350 đồng và 57.000 đồng.

Cổ phiếu TNG (Dệt may TNG) ghi nhận mức tăng 9,52%, lên 18.400 đồng/cổ phiếu với thanh khoản hơn 6,3 triệu đơn vị – cao nhất nhóm ngành trong phiên. Trên UPCoM, M10, VGG, HSM... đều tăng từ 6–12%. Mã M10 tăng 10,55%, đóng cửa tại 22.000 đồng, trong khi VGG tăng 12,23% lên 46.800 đồng/cổ phiếu.

cophieudetmay.jpg
Diễn biến cổ phiếu dệt may phiên giao dịch ngày 26/5

Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dệt may được ghi nhận trong bối cảnh doanh nghiệp trong ngành đang kỳ vọng vào giai đoạn ổn định đơn hàng kéo dài đến hết quý III năm nay.

Tại hội thảo chuyên đề tháng 5 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức, Chủ tịch HĐQT Vinatex – ông Lê Tiến Trường – cho biết lượng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm khá tích cực. Tồn kho hàng dệt may tại thị trường Mỹ đang ở mức thấp, có thể giúp doanh nghiệp duy trì sản lượng trong quý III. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nhu cầu tiêu dùng của Mỹ có thể giảm trong quý IV/2025, khiến đơn hàng có thể điều chỉnh giảm khoảng 10%.

Ngoài ra, ông Trường thông tin rằng từ nay đến ngày 10/7, khả năng Mỹ áp dụng các chính sách thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam vẫn đang chờ kết quả đàm phán. Chính sách thuế hiện đang được xem xét theo từng nhóm hàng hóa cụ thể, trong đó dệt may có thể là lĩnh vực được ưu tiên tiếp cận.

Số liệu mới từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt hơn 3,06 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước đó. Lũy kế quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,69 tỷ USD – tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43,6%, tương đương 3,78 tỷ USD, tăng hơn 15%. Nhật Bản đạt hơn 1,07 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 827,5 triệu USD.

Năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt Bangladesh để trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Nguyên Nam