Chuyển động

Gói thầu cao tốc 880,7 tỷ đồng: Liên danh Trường Sơn trúng thầu, nhiều ông lớn như Vinaconex, Đèo Cả... không đạt về kỹ thuật

Cao Thái 26/05/2025 12:40

Liên danh Trường Sơn trúng thầu gói cao tốc 880 tỷ dù giá cao nhất, loạt 'ông lớn' như Đèo Cả, Vinaconex, Sơn Hải bị loại vì không đạt kỹ thuật.

Ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước vừa ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng đoạn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua địa bàn tỉnh. Gói thầu có giá trị hơn 880 tỷ đồng.

qd.jpg
Quyết định do ông Đinh Tiến Hải, GĐ Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước ký

Theo biên bản mở thầu ngày 17/3/2025, có tổng cộng 5 nhà thầu tham gia, gồm: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát; Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong – Vinaconex – Công ty CP Cơ khí điện Lữ Gia; Liên danh Công ty TNHH Đồng Thuận Hà – Công ty CP Xây dựng Đèo Cả – Công ty CP Hải Đăng; Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (C4G); và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Sau quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT), chỉ duy nhất liên danh Trường Sơn – Thành Phát được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật và được lựa chọn trúng thầu. Điều đáng chú ý là liên danh này cũng là nhà thầu có giá dự thầu cao nhất trong danh sách.

Loạt ‘ông lớn’ không đạt về kỹ thuật

Mặc dù nhiều nhà thầu khác đưa ra giá dự thầu cạnh tranh hơn, trong đó Tập đoàn Sơn Hải là đơn vị có mức giảm giá sâu nhất, nhưng tất cả đều không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Báo cáo đánh giá E-HSDT do tổ chuyên gia đấu thầu của Công ty CP Tư vấn Văn Phú lập ngày 6/5/2025 chỉ rõ ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà thầu này bị loại.

sh.jpg
Theo đánh giá của tổ chuyên gia, 4 trong tổng số 05 nhà thầu tham gia đã không đạt về kỹ thuật

Thứ nhất là không đáp ứng yêu cầu về vật tư và thiết bị cung cấp cho gói thầu. Hồ sơ mời thầu quy định rõ nhà thầu phải cung cấp bảng kê chi tiết từng loại vật tư, thiết bị kèm thông tin nhãn hiệu, mã hiệu, nguồn gốc xuất xứ và hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu chỉ cung cấp thông tin chung, thiếu minh bạch hoặc không đầy đủ, khiến tổ chuyên gia không có cơ sở để đánh giá. Các loại vật tư quan trọng như máy biến áp, tụ bù, cầu dao cách ly, trụ điện BTLT, cáp điện... đều bị thiếu thông số kỹ thuật hoặc không kèm tài liệu chứng minh phù hợp với tiêu chuẩn của gói thầu. Đặc biệt, nhóm vật tư dây cáp điện như CXV/DSTA các loại hoặc cáp đồng trần hoàn toàn không có thông tin rõ ràng về thông số kỹ thuật hoặc xuất xứ.

Thứ hai là không đáp ứng yêu cầu về tổ chức thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM). Kể từ năm 2023, theo Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng cấp I như cao tốc, bắt buộc phải áp dụng BIM trong tất cả các giai đoạn từ thiết kế, thi công đến vận hành. Tuy nhiên, hồ sơ dự thầu của nhiều nhà thầu hoàn toàn không có đề cập hoặc chỉ nêu chung chung về BIM. Các nội dung thiết yếu như kế hoạch triển khai, nhân sự phụ trách, phần mềm sử dụng, quy trình áp dụng... đều bị bỏ trống. Việc không tuân thủ yêu cầu về BIM đồng nghĩa với việc không đáp ứng tiêu chí kỹ thuật tiên quyết mà gói thầu đặt ra.

Dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 6,6 km, tổng vốn đầu tư 1.474 tỷ đồng, gồm 1.000 tỷ từ ngân sách trung ương và 474 tỷ từ ngân sách tỉnh, được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 6 làn. Dự án được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt ngày 12/12/2024, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Thứ ba là không đáp ứng yêu cầu về máy móc, thiết bị thi công. Theo chương III của E-HSMT, tất cả thiết bị thi công phải có giấy tờ hợp pháp gồm đăng ký sở hữu, hợp đồng thuê (nếu có) và chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong E-HSDT của các nhà thầu bị loại, nhiều thiết bị như máy đào, máy lu, máy ủi, thiết bị nâng... không có hồ sơ kiểm định hoặc thiếu chứng nhận hợp pháp. Một số trường hợp cung cấp giấy tờ không phù hợp quy định hiện hành, vi phạm các văn bản pháp lý như Nghị định 44/2016/NĐ-CP, TCVN 7772:2007, Thông tư 13/2015/TT-BGTVT và các quy định liên quan. Mặc dù được yêu cầu làm rõ, các nhà thầu vẫn không bổ sung được đầy đủ tài liệu cần thiết.

Vinaconex vẫn đấu thầu hiệu quả

Dù không vượt qua vòng kỹ thuật tại gói thầu cao tốc nêu trên, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; HOSE: VCG) vẫn cho thấy hiệu quả trong hoạt động đấu thầu thời gian qua. Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay cho thấy Vinaconex đã tham gia 15 gói thầu lớn nhỏ, trong đó trúng 6 gói, đạt tỷ lệ trúng thầu khoảng 40%.

Đáng chú ý, ngày 23/5/2025, Vinaconex là một trong các đơn vị trong liên danh được công bố trúng Gói thầu XL1 – thi công đoạn La Sơn – Hòa Liên thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, do Ban QLDA đường HCM làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá trúng hơn 2.705 tỷ đồng và bao gồm cả khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và lắp đặt thiết bị. Trước đó, trong quý 1/2025, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh trúng Gói thầu số 02XL-BA do Ban QLDA Điện 3 (Tập đoàn EVN) mời thầu. Đây là gói thầu xây lắp công trình Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2 đợt 1, với giá trị trúng thầu hơn 4.334,5 tỷ đồng.

vcg.jpg
Diễn biến giao dịch cổ phiếu VCG thời gian qua. Nguồn: Fitrade.kinhtechungkhoan.vn

Về tài chính, quý 1/2025 ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm của Vinaconex so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất đạt 2.596 tỷ đồng, giảm nhẹ, trong khi giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 317,6 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với mức 754,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 151,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 482,6 tỷ đồng của quý 1/2024. Nguyên nhân chính được cho là do biên lợi nhuận giảm và một số dự án có tiến độ thi công chậm hơn kế hoạch.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCG vẫn duy trì đà phục hồi tích cực từ đầu năm đến nay. Sau khi chạm đáy quanh vùng 18.000–19.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2024, mã CP này đã bước vào chu kỳ tăng giá ổn định. Tính đến ngày 26/5/2025, VCG giao dịch ở mức 23.050 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất đạt khoảng 14 triệu cổ phiếu, cho thấy dòng tiền tổ chức đang quay trở lại.

Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo như RSI, MACD và đường trung bình MA đều cho tín hiệu tích cực, hỗ trợ cho xu hướng tăng trung hạn. Với mức định giá hiện tại, P/E khoảng 21,9 và P/B ở mức 1,22, cổ phiếu VCG vẫn được đánh giá hợp lý trong nhóm ngành xây dựng. Nhiều công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng với mục tiêu giá dao động từ 24.500 đến 25.000 đồng/cổ phiếu trong quý tới.

Cao Thái