Nhịp sống số

AI lần đầu truy vết chính xác chuỗi động đất tại hồ thủy điện Lai Châu

Ngọc Linh 26/05/2025 11:03

Lần đầu tiên, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng tại Việt Nam để phân tích và cảnh báo động đất kích thích

Mô hình AI mở hướng tiếp cận mới cho cảnh báo địa chấn

Lần đầu tiên tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng thành công để truy nguyên và phân tích quy luật hoạt động của động đất kích thích – một dạng địa chấn đặc thù phát sinh do sự thay đổi áp lực trong lòng đất, thường liên quan đến các hồ chứa thủy điện. Công trình nghiên cứu do Viện Các Khoa học Trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Italia thực hiện, tập trung vào khu vực hồ chứa Thủy điện Lai Châu – nơi ghi nhận hàng ngàn trận động đất trong thời gian qua.

thủy điện Lai Châu
Khu vực thủy điện Lai Châu hay xảy ra hiện tượng động đất

Theo TS Cao Đình Trọng, chủ nhiệm đề tài, hiện tượng động đất kích thích tại khu vực này không còn là giả thuyết. Chỉ trong giai đoạn 2015–2021, có khoảng 1.500 trận được ghi nhận, trong đó 13 trận có độ lớn trên 4,2 độ Richter. Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phân tích phổ, kỹ thuật thống kê hiện đại cùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện mối liên hệ giữa biến động mực nước hồ và chuỗi địa chấn xảy ra theo thời gian thực.

Mô hình AI cho thấy, việc tích nước trong hồ có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các trận động đất nhỏ. Đây là một bước tiến lớn so với các nghiên cứu mô tả trước đây, mở ra khả năng dự báo và cảnh báo sớm, từ đó nâng cao năng lực vận hành an toàn cho các nhà máy thủy điện và khu dân cư vùng lân cận.

Cơ sở khoa học cho bản đồ nguy cơ động đất quốc gia

Dữ liệu từ mô hình AI đã được chuyển giao cho Nhà máy Thủy điện Lai Châu, các cơ quan phòng chống thiên tai và đơn vị quản lý an toàn hồ chứa. Mục tiêu là tích hợp hệ thống cảnh báo sớm vào vận hành thực tế. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, góp phần làm rõ đặc điểm động đất kích thích tại Việt Nam.

động đất AI
Công nghệ AI được ứng dụng để dự đoán động đất

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tích hợp thêm dữ liệu vệ tinh InSAR để theo dõi biến dạng mặt đất, nhằm tăng cường khả năng mô phỏng và dự báo. Mục tiêu xa hơn là xây dựng bản đồ nguy cơ động đất kích thích quốc gia, phục vụ quy hoạch phát triển hạ tầng và định hướng chính sách an toàn địa chấn trong tương lai.

Thành công tại Lai Châu là tiền đề để nhân rộng mô hình nghiên cứu ra các khu vực khác có hồ chứa lớn như Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Đắk Đrink (Quảng Ngãi) hay Kon Plông (Kon Tum) – những nơi từng ghi nhận hàng trăm trận động đất kích thích gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cảnh báo về nguy cơ địa chấn từ các hồ thủy điện

Hiện tượng động đất kích thích không còn xa lạ tại Việt Nam. Trong hơn một thập kỷ qua, các thủy điện lớn như Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Kon Plông (Kon Tum), Đắk Đrink (Quảng Ngãi) đều ghi nhận hàng trăm trận địa chấn nhỏ, một số trận có độ lớn từ 4,7 đến 5,0, gây rung chấn rõ rệt cho khu vực rộng lớn tại miền Trung và Tây Nguyên.

Gần đây nhất, lúc 7h10 ngày 23/5/2025, một trận động đất độ lớn 3.0 xảy ra tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam), ở độ sâu khoảng 8,3 km. Mặc dù không gây thiệt hại, song đây là lời nhắc nhở rằng các khu vực gần hồ chứa vẫn cần giám sát địa chấn thường xuyên, đặc biệt trong mùa tích nước.

Việc tích hợp dữ liệu thời gian thực với trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp truy vết nguồn gốc của các trận động đất mà còn giúp định lượng rủi ro địa chất. Đây là xu hướng mới trong nghiên cứu địa vật lý tại Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tăng trưởng hạ tầng thủy điện mạnh mẽ tại các vùng trung du, miền núi.

Ngọc Linh