9 tỉnh và tuyến đường sắt hơn 8 tỷ USD: Sáp nhập hành chính được xem là chìa khóa kết nối hành lang biên giới – cảng biển
Tuyến đường sắt chiến lược này đang đối mặt nhiều thách thức. Việc sáp nhập có thể là giải pháp để đồng bộ hạ tầng và tăng hiệu quả đầu tư.
Tuyến đường sắt liên vận Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với tổng chiều dài các tuyến hơn 400 km, đang nổi lên như một trong những trục vận tải hàng hóa chiến lược của Việt Nam, chỉ sau tuyến Bắc – Nam. Tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai mới (kết nối trực tiếp với ga Hà Khẩu Bắc – Trung Quốc) và kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua tổng cộng 9 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Theo quy hoạch, tuyến chính dài 390,9 km với khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm, thiết kế tốc độ tối đa 160 km/h và phục vụ cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách. Tổng mức đầu tư ước tính gần 8,4 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành vào năm 2030. Khi đi vào khai thác, đây sẽ là cửa ngõ giao thương quan trọng không chỉ với Trung Quốc, mà còn kết nối sâu rộng với các tuyến vận tải biển quốc tế thông qua Hải Phòng.
Tuy nhiên, quy mô rộng lớn và phạm vi trải dài qua nhiều địa phương cũng đặt ra bài toán quản trị phức tạp. Từ hạ tầng đến chính sách đều đang chịu sự phân tán theo từng cấp tỉnh, dễ dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả trong triển khai và vận hành.
Tuyến đường sắt đi qua tới 9 tỉnh, việc mỗi địa phương đều có kế hoạch phát triển riêng, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng và dịch vụ logistics dọc tuyến.

Ví dụ điển hình là tại Lào Cai – nơi chi phí vận chuyển hàng hóa về Hải Phòng hiện dao động từ 15 – 17 triệu đồng/container (khoảng 400 nghìn đồng/tấn hàng khô). Con số này dù thấp hơn tuyến Côn Minh – Hà Khẩu (Trung Quốc), nhưng vẫn cao do các khâu trung chuyển, xử lý hàng tại cửa khẩu còn thủ công và thiếu trang thiết bị chuyên dụng.
Mặt khác, việc đi qua nhiều tỉnh khiến quá trình đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng có thể bị chậm trễ hoặc thiếu liên thông.
Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập hành chính được xem là một lối mở. Về lý thuyết, sáp nhập các địa phương, hoặc ít nhất là một phần trong số đó, sẽ tạo điều kiện để đồng bộ hóa quy hoạch hạ tầng, đơn giản hóa cơ chế điều phối và tối ưu hóa nguồn lực đầu tư. Khi đó, thay vì mỗi địa phương “mạnh ai nấy làm”, sẽ có một hệ thống điều hành thống nhất tăng tính kết nối trong triển khai.