Vàng - Tỷ giá

"Khoảng cách phi lý" này của giá vàng sắp chính thức được xóa bỏ

Linh Nga 26/05/2025 07:51

Đầu tuần mới, thị trường vàng trong nước tiếp tục ghi nhận giá vàng miếng và vàng nhẫn đồng loạt neo ở mức rất cao, trong khi chính sách điều tiết của Nhà nước đang dần siết lại khoảng cách giá giữa thị trường nội và thế giới.

Theo cập nhật sáng 26/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ niêm yết phổ biến ở mức 119 – 121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức chênh lệch hai chiều hiện duy trì ở 2 triệu đồng/lượng, đã thu hẹp so với mức 3 triệu đồng hồi tuần trước. Tính từ đầu tuần trước đến nay, vàng miếng đã tăng 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra – một đợt tăng đáng kể trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có nhiều xáo trộn.

giavang26.jpg
Đầu tuần mới, thị trường vàng trong nước tiếp tục ghi nhận giá vàng miếng và vàng nhẫn đồng loạt neo ở mức rất cao

Trong khi đó, vàng nhẫn trơn 999.9 sáng nay được giao dịch phổ biến ở vùng 113,5 – 116 triệu đồng/lượng, cao hơn 2 triệu đồng/lượng so với đầu tuần trước. Tuy nhiên, mức giá bán ra của vàng nhẫn hiện vẫn thấp hơn vàng miếng tới 5 triệu đồng/lượng, cho thấy chênh lệch giữa hai mặt hàng vẫn đang ở mức cao. Điều này đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính hợp lý trong chính sách điều hành thị trường vàng hiện nay.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam) điều chỉnh nhẹ về mức 3.347 USD/ounce, giảm khoảng 15 USD so với phiên gần nhất. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 105,4 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn vàng miếng trong nước hơn 15 triệu đồng/lượng – mức chênh lệch được đánh giá là vượt xa chuẩn mực thị trường.

giavang261.jpg
Giá vàng thế giới đang có xu hướng điều chỉnh

Liên quan tới vấn đề này, tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây về công tác điều hành thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu triển khai sàn giao dịch vàng, hướng tới mục tiêu tự do hóa giao dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất – kinh doanh vàng, đồng thời khuyến khích phát triển vàng trang sức để tạo công ăn việc làm và tăng tính lưu thông trong xã hội.

Một trong những chỉ đạo đáng chú ý là yêu cầu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về mức hợp lý, chỉ còn 1-2%, thay vì mức trên 10% như thời gian qua. Nếu các biện pháp điều tiết sớm được triển khai hiệu quả, đây sẽ là dấu chấm hết cho thời kỳ chênh lệch “phi lý” giữa vàng trong nước và quốc tế.

Trở lại với diễn biến thế giới, theo khảo sát của Kitco News, tâm lý thị trường trong tuần này vẫn nghiêng về khả năng giá vàng tiếp tục tăng. Có đến 81% chuyên gia được hỏi tại Phố Wall cho rằng giá vàng vẫn còn dư địa đi lên, trong khi khảo sát với nhà đầu tư cá nhân cũng ghi nhận 63% người tham gia đặt cược vào chiều tăng giá.

Ông Rich Checkan – Chủ tịch kiêm CEO của Asset Strategies International nhận định giá vàng đang bước vào giai đoạn củng cố, chuẩn bị cho một chu kỳ tăng giá mới, được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn ngày càng gia tăng trong bối cảnh Moody’s vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do lo ngại nợ công vượt mốc 36.000 tỷ USD.

Đồng quan điểm, ông Colin Cieszynski – chiến lược gia tại SIA Wealth Management cũng cho rằng giá vàng sẽ nhận lực hỗ trợ từ những căng thẳng chính trị - thương mại, đặc biệt là các động thái siết lại thuế quan từ chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump.

Tuần này, dù thị trường Mỹ nghỉ lễ Memorial Day (26/5), các dữ liệu kinh tế quan trọng như đơn hàng hàng hóa, chỉ số tiêu dùng PCE và biên bản họp FOMC vẫn sẽ tác động mạnh đến xu hướng giá vàng toàn cầu.

Với đà phục hồi rõ rệt của vàng thế giới và tín hiệu điều hành từ trong nước, giới đầu tư đang chờ đợi một thời kỳ giá vàng minh bạch hơn, xóa bỏ tình trạng phân tầng giữa vàng nhẫn và vàng miếng, giữa thị trường nội địa và thế giới, điều đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Linh Nga