Nông dân Lâm Đồng áp dụng công thức "loại nào cũng chơi", đắt hàng quanh năm, tăng thu nhập rõ rệt
Từ mô hình mới, nông dân Lâm Đồng tạo ra thu nhập ổn định, thích ứng thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Tư duy mới từ những vườn cây xen canh
Từng gắn bó với cây cà phê suốt hàng chục năm, nhiều nông dân ở xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang cho thấy một bước ngoặt đáng chú ý: chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mô hình đa dạng, kết hợp giữa cà phê, cây ăn trái và các loại cây công nghiệp khác như tiêu, mắc ca. Đây không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật canh tác, mà còn phản ánh một bước tiến trong tư duy sản xuất và tổ chức kinh tế hộ nông.

Ông Đỗ Thu – một hộ dân ở Thôn 5 cho biết, gia đình ông đã chuyển sang trồng tiêu xen với cà phê và đang chuẩn bị đưa măng cụt vào canh tác. “Giá nông sản bấp bênh lắm, mình phải tính đường dài. Xen canh giúp mình có thêm nguồn thu ổn định”, ông Thu nói.
Tương tự, chị Hà Thị Hiền – cũng ở Thôn 5 đang canh tác trên 1,7 ha đất, trong đó có cà phê, bơ, sầu riêng và tiêu. Theo chị, sự kết hợp này không chỉ giúp tận dụng tốt tài nguyên đất, mà còn phân tán rủi ro giá cả theo mùa vụ. “Bơ có thể bán trước vụ cà phê, còn tiêu cắt xen kẽ. Vườn lúc nào cũng có thu nhập”, chị chia sẻ.
Những mô hình canh tác xen canh như vậy đang trở thành lựa chọn của nhiều nông dân tại Lộc Quảng. Thống kê từ Hội Nông dân xã cho thấy, ngoài hơn 1.546 ha cà phê hiện có (trong đó 55,8 ha đã được tái canh), địa phương còn có 12,8 ha tiêu, 11,2 ha sầu riêng, 7,8 ha bơ, 45,3 ha mắc ca và nhiều loại cây trồng khác như dâu tằm. Sự chuyển dịch này góp phần xây dựng mô hình sản xuất đa tầng, khai thác hiệu quả đất đai và điều kiện khí hậu đặc trưng của vùng cao nguyên.
Hội Nông dân đồng hành cùng người dân tái cơ cấu sản xuất
Chuyển đổi cây trồng không đơn giản chỉ là trồng cây mới. Nhằm giúp người dân thực hiện chuyển đổi một cách bài bản và hiệu quả, Hội Nông dân xã Lộc Quảng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, thông tin thị trường và chính sách vay vốn.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 8 hội thảo chuyên đề, thu hút hơn 550 lượt người tham dự; triển khai các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây ăn trái, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân hữu cơ, kỹ thuật tưới tiết kiệm và định hướng thị trường tiêu thụ. Những lớp học này đã góp phần giúp người dân tính toán cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ, chủ động đầu tư phù hợp với thị trường và khả năng của từng hộ.
Đáng chú ý, nhiều hộ dân đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện có hơn 250 hội viên sử dụng app Nông dân Việt Nam để tra cứu kỹ thuật, cập nhật giá thị trường và kết nối với doanh nghiệp thu mua. Ngoài ra, Hội cũng đã huy động thành công hơn 5,5 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ nông dân và triển khai một dự án vay vốn cấp huyện trị giá 300 triệu đồng cho 10 hộ chăm sóc cà phê.
Tổng dư nợ các nguồn vốn tín dụng do Hội quản lý hiện đạt hơn 10,4 tỷ đồng – và đặc biệt là không có nợ quá hạn. Điều này cho thấy năng lực tài chính và sự minh bạch trong hoạt động vay vốn của người dân, góp phần quan trọng trong việc duy trì mô hình sản xuất ổn định và bền vững.
Nông thôn đổi thay từ chính bàn tay người nông dân
Không chỉ đổi mới trong sản xuất, nhiều hộ nông dân xã Lộc Quảng còn tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong thời gian qua, người dân đã tự nguyện hiến hơn 3.480 m² đất để mở rộng đường giao thông, góp công làm mới 2,1 km đường liên thôn và gần 2 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Những công trình này không chỉ phục vụ việc vận chuyển nông sản, mà còn nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Hiện xã có 1.002 hội viên Hội Nông dân, trong đó 498 hộ đã đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp và 956 hộ cam kết sản xuất an toàn. Chính sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, giữa nỗ lực tự thân và định hướng từ các cấp Hội đã tạo nên bức tranh sản xuất nông nghiệp tại Lộc Quảng ngày một đa dạng, hiệu quả và bền vững hơn.
Theo ông Long Thế Vân – Chủ tịch Hội Nông dân xã, chính tinh thần chủ động chuyển đổi cây trồng, ứng dụng kỹ thuật mới và mạnh dạn liên kết sản xuất là những “chìa khóa” giúp Lộc Quảng thích ứng với biến động thị trường và hướng tới một nền nông nghiệp xanh – sạch – hiệu quả.