Những vết đen trong lịch sử Telegram: Không phải lần đầu "ông lớn" ứng dụng tin nhắn trở thành "ổ thông tin độc hại"
Được ca ngợi là ứng dụng nhắn tin bảo mật hàng đầu, Telegram đang phải đối mặt với hàng loạt tai tiếng toàn cầu.
Ra đời với lý tưởng bảo vệ quyền riêng tư và chống kiểm duyệt, Telegram từng được coi là biểu tượng công nghệ cho một thế giới Internet tự do. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ tồn tại, nền tảng này không chỉ là nơi kết nối cộng đồng công nghệ, giới khởi nghiệp hay nhà đầu tư, mà còn trở thành “thiên đường” cho các hoạt động phi pháp, gây ra hàng loạt thiệt hại đáng báo động trên toàn thế giới.

Trong vài năm gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo tài chính đã được ghi nhận có liên quan đến các nhóm Telegram. Tại Ấn Độ, một giáo viên mất hơn 21.000 USD sau khi tham gia nhóm đầu tư giả mạo trên nền tảng này. Tại Singapore, con số gây choáng khi có hơn 6.600 nạn nhân bị lừa với tổng thiệt hại gần 70 triệu USD thông qua các nhóm công việc và tuyển dụng ảo. Các nhóm Telegram hoạt động như những “chiếc phễu tinh vi”, dụ dỗ người dùng nhẹ dạ đầu tư, chuyển tiền, hoặc tải ứng dụng giả mạo rồi đánh cắp dữ liệu ngân hàng.
Tai tiếng lớn nhất có lẽ đến từ vụ án “Nth Room” tại Hàn Quốc, khi Telegram bị phanh phui là công cụ để phát tán hàng trăm video khiêu dâm trẻ em. Hơn 260.000 tài khoản được xác định từng tiếp cận hoặc chia sẻ những nội dung rùng rợn này. Tại Úc, một người đàn ông đã bị kết án hơn 5 năm tù sau khi bị phát hiện chia sẻ hàng trăm video lạm dụng trẻ em qua các nhóm Telegram. Những bê bối này khiến nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế như INTERPOL, Europol và cả Liên Hợp Quốc phải vào cuộc điều tra.
Bên cạnh các hành vi lừa đảo và nội dung xấu, Telegram còn bị cáo buộc là nền tảng yêu thích của các tổ chức cực đoan và khủng bố. Tại Mỹ, nhiều nhóm cực hữu đã sử dụng ứng dụng này để rao giảng tư tưởng bạo lực, tuyển mộ thành viên và lên kế hoạch hành động. Trong làn sóng biểu tình tại Hồng Kông năm 2019, Telegram từng bị coi là công cụ điều phối các hoạt động phản kháng khiến chính quyền đặc khu này tìm cách kiểm duyệt và chặn ứng dụng.
Đáng lo ngại hơn, Telegram còn bị phát hiện là “chợ đen” cho các giao dịch phi pháp. Theo một báo cáo của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), nền tảng này là nơi lưu hành phần mềm độc hại, dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và công cụ tấn công mạng. Tại Ukraine, một bot Telegram bị phát hiện rao bán dữ liệu của hơn 26 triệu công dân, lấy từ các ứng dụng chính phủ. Điều này khiến Telegram bị xem là mối đe dọa an ninh mạng ngày càng lớn.
Với những hệ lụy ngày càng rõ rệt, nhiều quốc gia đã lên tiếng hoặc có động thái mạnh tay với Telegram. Pháp đã từng bắt giữ CEO Pavel Durov để điều tra vì nền tảng này không hợp tác với chính quyền trong việc xử lý các nội dung vi phạm, đặc biệt là liên quan đến ấu dâm và bạo lực mạng.
Còn tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã yêu cầu các nhà mạng chặn ứng dụng này, sau khi phát hiện hơn 68% trong số 9.600 kênh và nhóm trên nền tảng chứa nội dung vi phạm pháp luật – từ lừa đảo, buôn bán ma túy đến phát tán tài liệu phản động.