Thay Bắc Ninh thành tỉnh nhỏ nhất, tỉnh mới sau sáp nhập có diện tích “khiêm tốn” nhưng tham vọng rất lớn
Sau sáp nhập, tỉnh mới này sẽ trở thành địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại sở hữu quy mô kinh tế và dân số thuộc nhóm dẫn đầu.

Tỉnh nhỏ nhất về diện tích, nhưng không nhỏ về tiềm lực
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ được hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên Hưng Yên, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Hưng Yên hiện tại. Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có diện tích khoảng 2.514,8 km², trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng sở hữu quy mô dân số lên tới 3,5 triệu người.
Cụ thể, tỉnh Hưng Yên hiện nay có diện tích 930,2 km², dân số hơn 1,4 triệu người; còn Thái Bình có diện tích 1.584,6 km², dân số hơn 2 triệu người.
Dù “nhỏ” về mặt địa lý, tỉnh mới sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ hình thành một trung tâm kinh tế tổng hợp kiểu mẫu tại Đồng bằng sông Hồng, phát triển đồng đều cả ba trụ cột: nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ.
Trong những năm gần đây, Hưng Yên nổi lên là một trung tâm công nghiệp năng động. Quý I/2025, GRDP của tỉnh đạt 8,96%, vượt xa mục tiêu đề ra (8,52%), đứng thứ 9 toàn vùng và thứ 17 cả nước. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh này thu hút gần 4 tỷ USD vốn đầu tư, với 180 dự án mới, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Nitto, Molex, Arizon...

Tính đến thời điểm hiện tại, Hưng Yên đã có 2.371 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng và 8,5 tỷ USD. Tỉnh cũng đang vận hành 12 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 3.123 ha, trong đó 10 khu đã đi vào hoạt động. Mục tiêu trong năm 2025 là phát triển thêm 5 KCN mới, thu hút ít nhất 1 tỷ USD vốn đầu tư bổ sung.
Lợi thế lớn của Hưng Yên là nằm sát Hà Nội và kết nối nhanh chóng đến cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài thông qua mạng lưới giao thông đang được mở rộng như: đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường di sản ven sông Hồng...
Vừa qua, ngày 21/5, cũng đã diễn ra Lễ khởi công Dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trump International Hung Yen) - Dự án mang thương hiệu Trump (Tập đoàn Trump của Hoa Kỳ) đầu tiên tại Việt Nam và là một trong hơn 20 dự án của Tập đoàn trên toàn cầu.

Trong khi đó, Thái Bình có ưu thế nổi bật là một tỉnh ven biển, với đường bờ biển dài 52km và vùng bãi triều hơn 16.000 ha. Bên cạnh đó, Thái Bình cũng sở hữu các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua tỉnh. Đây là lợi thế chiến lược để phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo và công nghiệp ven biển.
Quý I/2025, GRDP của Thái Bình tăng 9,04%, mức cao nhất trong chu kỳ 2020–2025 và vượt trung bình cả nước (6,93%). Tốc độ tăng trưởng GRDP 5 năm ước đạt 8,36%/năm, đưa quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 151.200 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2020.
Hiện nay, Thái Bình đã thành lập 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.700 ha và đang sở hữu Khu kinh tế Thái Bình rộng hơn 30.000 ha, được phê duyệt trở thành một trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia.

Tính đến nay, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút được 369 dự án, với tổng vốn đăng ký lên tới khoảng 208.000 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của địa phương đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 sẽ thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 22% và giá trị xây dựng đạt từ 15–17%. Những con số này cho thấy tham vọng bứt phá về phát triển công nghiệp, đô thị và kinh tế biển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Sự cộng hưởng chiến lược và văn hóa
Sự hợp nhất giữa Hưng Yên – Thái Bình không chỉ tạo nên một địa phương mới có tiềm lực kinh tế mạnh, mà còn mang đến sự cộng hưởng về văn hóa và du lịch. Hưng Yên nổi tiếng với Phố Hiến, một thương cảng cổ từng sánh ngang Hội An, trong khi Thái Bình sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống, di tích lịch sử và các lễ hội văn hóa đặc sắc.

Việc kết hợp này sẽ mở ra hướng đi mới cho du lịch văn hóa, sinh thái, và cả du lịch công nghiệp trong tương lai. Cả hai tỉnh đều có vị trí chiến lược trong liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, thuận lợi để hình thành các hành lang phát triển mới, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng giữa đô thị – nông thôn.
Sáp nhập Thái Bình và Hưng Yên không chỉ mang tính hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm tăng hiệu quả quản lý và đầu tư công, tối ưu hóa nguồn lực, hình thành một cực tăng trưởng kinh tế mới tại đồng bằng Bắc Bộ, phát triển kinh tế công nghiệp – biển – dịch vụ – du lịch – nông nghiệp trên nền tảng liên kết vùng.
Tỉnh Hưng Yên mới với nền tảng vững chắc và định hướng đúng đắn, được kỳ vọng sẽ vươn lên dẫn dắt một giai đoạn phát triển mới.
Trước khi sáp nhập, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam với 822,7 km2. Sau khi sáp nhập với Bắc Giang, diện tích Bắc Ninh sẽ tăng lên 4.718,6 km2, không còn là tỉnh nhỏ nhất nữa.
Tỉnh Hưng Yên sẽ trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất sau khi sáp nhập với Thái Bình, với diện tích 2.514,8 km2.