Mô hình mới

Trở về từ Hàn Quốc, nông dân Quảng Nam thử nuôi thứ "béo múp" của New Zealand, thành quả mỗi năm bỏ túi hàng trăm triệu đồng

Tuấn Anh 24/05/2025 6:00

Nông dân Quảng Nam chứng minh rằng không cần vốn lớn hay mô hình cầu kỳ, chỉ cần sự bền bỉ và am hiểu vật nuôi, họ vẫn có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Trở về từ Hàn Quốc, khởi nghiệp bằng mô hình nuôi thỏ

Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, câu chuyện khởi nghiệp của anh Lê Đình Khoa (sinh năm 1985, xã Đại Minh) là một minh chứng khác cho tinh thần làm giàu từ nông nghiệp. Sau thời gian dài làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình xuất khẩu lao động, anh Khoa trở về quê năm 2015 với mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất cha ông.

Anh Lê Đình Khoa (SN 1985) bên trại nuôi thỏ gia đình
Anh Lê Đình Khoa (SN 1985) bên trại nuôi thỏ gia đình (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Từ số vốn tích lũy sau 5 năm làm việc, anh đầu tư 180 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và nhập 50 con thỏ giống New Zealand về nuôi. Với tinh thần học hỏi không ngừng, anh thường xuyên cập nhật kiến thức từ những người có kinh nghiệm, qua đó cải tiến kỹ thuật chăm sóc và nhân rộng mô hình.

Hiện tại, anh sở hữu hai khu trại nuôi thỏ có tổng diện tích 260m², đặt tên là Trại thỏ Tuấn Anh. Trại thứ nhất duy trì đàn thỏ thương phẩm khoảng 700 – 1.000 con, chủ yếu cung cấp thịt cho thị trường trong tỉnh và TP. Đà Nẵng. Trại thứ hai chuyên nuôi thỏ sinh sản với hơn 800 con giống, trong đó có hơn 200 con thỏ mẹ.

Trại được chia làm hai khu vực với điều kiện nhiệt độ phù hợp từng giai đoạn phát triển. Mỗi tháng, khoảng 500 con thỏ được xuất chuồng. Giá bán thỏ thịt dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (trung bình 2 – 2,2kg/con), trong khi thỏ giống có giá 100.000 – 150.000 đồng/con.

Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm, nuôi thỏ bán giống đem lại hiệu quả kinh tế khá
Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm, nuôi thỏ bán giống đem lại hiệu quả kinh tế khá (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Anh Khoa cho biết: “Thành công không đến dễ dàng. Nuôi thỏ đòi hỏi phải hiểu rõ đặc điểm sinh lý, khả năng tiêu hóa và tập quán sinh sản của từng độ tuổi. Phải chăm chỉ, kiên trì, không ngừng học hỏi thì mới duy trì được hiệu quả lâu dài.”

Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại thu nhập ròng khoảng 20 triệu đồng, tương đương 180 – 200 triệu đồng/năm. Ngoài cung cấp thỏ thương phẩm, anh Khoa còn hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho người dân địa phương và khu vực lân cận.

Khởi đầu từ con dúi – hướng đi mới cho người nông dân sau nghỉ hưu

Năm 2016, ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chính thức nghỉ hưu sau thời gian công tác tại Hội Cựu chiến binh địa phương. Không chấp nhận cảnh sống phụ thuộc vào lương hưu giữa lúc kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, ông bắt đầu tìm kiếm một mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Lê Văn Sáng thăm nom đàn dúi con
Ông Lê Văn Sáng thăm nom đàn dúi con (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng thông qua internet và đi thực tế tại các mô hình kinh tế trang trại, ông Sáng phát hiện tiềm năng của loài dúi – hay còn gọi là chuột nứa. Loài vật này có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, nhu cầu thức ăn đơn giản và giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, dúi không yêu cầu quá nhiều diện tích chuồng trại, phù hợp với hộ nông dân quy mô nhỏ.

Vào tháng 8/2016, ông Sáng đầu tư mua 5 con dúi mốc giống tại một trại ở huyện Tiên Phước về nuôi thử nghiệm. Chỉ sau hai năm, nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình này, ông quyết định nâng cấp chuồng trại, đầu tư thêm hơn 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Điểm đặc biệt trong cách làm của ông là hiểu rõ đặc tính sinh học của dúi mốc: ngủ ngày, ăn đêm và ưa bóng tối. Để đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng, ông trang bị quạt, máy phun sương, lưới che và tưới nước lên mái tôn vào những ngày nắng nóng để giữ nhiệt độ chuồng trại dưới 33 độ C.

Dúi được cho ăn hai lần mỗi ngày, khẩu phần gồm tre, thân mía, ngô hạt, cỏ voi, cơm nguội trộn cám. Thức ăn luôn được đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của vật nuôi. Trung bình, sau khoảng ba tháng, dúi đạt trọng lượng 3 – 4kg là có thể xuất chuồng, còn dúi giống cần ít nhất tám tháng mới sinh sản.

Hiện nay, trại dúi của ông Sáng duy trì đàn khoảng 150 – 200 con, trong đó có khoảng 50 cặp sinh sản. Dúi giống được bán với giá 1,1 – 1,4 triệu đồng/cặp, trong khi dúi thương phẩm cung cấp cho nhà hàng tại Đà Nẵng có giá từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ròng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tuấn Anh