Hé lộ cách DIC Corp quản lý phát thải trong vận hành và thi công công trình
DIC Corp đang triển khai nhiều giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả nhằm giảm phát thải gián tiếp trong hoạt động xây dựng và vận hành.
Việc giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động xây dựng và bất động sản không chỉ phụ thuộc vào công nghệ cao hay đầu tư quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang tiếp cận mục tiêu này từ chính các yếu tố nhỏ trong thiết kế, vận hành và lựa chọn vật liệu. Theo báo cáo Phát triển Bền vững năm 2024 của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG), cách tiếp cận này đang được thực hiện theo hướng tích lũy từng cải tiến cụ thể.

Tại trụ sở chính ở TP.HCM, DIC Corpđã lắp đặt hệ thống điện mặt trời, với sản lượng đạt 61.197 kWh trong năm 2024. Theo tính toán trong báo cáo, lượng điện này tương đương bù đắp 14,4% lượng phát thải CO₂ từ năng lượng không tái tạo tại tòa nhà, tương đương 61 tCO₂. Đây là một phần trong chiến lược sử dụng năng lượng tái tạo, kết hợp với hệ thống đèn LED, cảm biến chuyển động và máy điều hòa Inverter để tối ưu điện năng tiêu thụ.
Về sử dụng nước, DIC Corp trang bị vòi cảm biến, thiết bị vệ sinh hai chế độ xả và hệ thống tưới tự động cho các khu cảnh quan. Ngoài ra, doanh nghiệp lựa chọn cây bản địa ít tiêu thụ nước, phù hợp với điều kiện khí hậu từng khu vực để giảm nhu cầu duy trì nhân tạo.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, DIC Corp ưu tiên sử dụng các loại vật tư có mức phát thải thấp, bao gồm: gạch không nung, kính cách nhiệt Low-E, tường panel nhẹ, thiết bị tiết kiệm năng lượng và vật liệu có khả năng cách nhiệt cao. Những lựa chọn này giúp giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sử dụng công trình và giảm phát sinh chất thải trong thi công.
Công nghệ cũng được áp dụng như một công cụ kiểm soát tài nguyên và giảm thiểu phát thải gián tiếp. Theo báo cáo, DIC Corp triển khai mô hình thông tin công trình (BIM) tại các dự án nhằm mô phỏng, kiểm soát khối lượng vật liệu, hạn chế lãng phí và tối ưu vận hành. Việc dùng BIM trong giai đoạn thiết kế và thi công giúp giảm phát sinh sai sót và điều chỉnh tại công trường – một nguồn gây tiêu hao vật liệu và năng lượng đáng kể.
Một ví dụ cụ thể về hiệu quả tổng hợp của các giải pháp này là tòa nhà trụ sở chính của DIC Corp tại TP.HCM. Công trình này đã được chứng nhận công trình xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Theo hệ thống EDGE, tòa nhà giúp giảm phát thải khoảng 337 tCO₂/năm so với một công trình thông thường cùng quy mô nhờ các yếu tố như: sử dụng năng lượng hiệu quả, vật liệu tiết kiệm và thiết kế thân thiện với môi trường.
Báo cáo không đưa ra số liệu tổng hợp về mức phát thải khí nhà kính cắt giảm trên toàn hệ thống, nhưng các chi tiết về năng lượng, nước và vật liệu cho thấy DIC Corp đang áp dụng cách tiếp cận quản lý phát thải theo hướng thực tiễn và kiểm soát được từng yếu tố cụ thể.