Hàng hóa - Giá cả

Thị trường kim loại quý hôm nay 23/5/2025: Giá vàng giảm nhẹ, bạc tăng trở lại

Nguyễn Trang 23/05/2025 09:55

Giá vàng tiếp tục cao hơn thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng trong khi bạc và đồng biến động theo xu hướng toàn cầu.

Giá vàng giảm nhẹ, chênh lệch với thế giới tiếp tục nới rộng

Theo khảo sát lúc 4h30 sáng, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ... dao động quanh ngưỡng 118,5 – 120,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Mức giá này không thay đổi ở chiều mua vào, nhưng giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua. Riêng tại Mi Hồng, mức giảm sâu hơn – lên tới 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

giá vàng hôm nay ngày 23 tháng 5 năm 2025
Giá vàng hôm nay trong nước giảm nhẹ tại một số thương hiệu

Trong khi đó, giá vàng thế giới cùng thời điểm ở mức 3.289,53 USD/ounce, tương đương khoảng 104,2 triệu đồng/lượng quy đổi (theo tỷ giá 26.286 VND/USD). Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục giãn rộng, hiện ở mức hơn 16 triệu đồng/lượng.

Theo hãng tin Reuters, giá vàng toàn cầu chịu sức ép sau khi đồng USD bật tăng, thúc đẩy làn sóng chốt lời sau khi vàng chạm mức cao nhất trong hai tuần đầu phiên.

Giá bạc tăng mạnh nhờ USD suy yếu

Trái ngược với vàng, giá bạc tại Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm nay. Tại Tập đoàn Phú Quý, giá bạc được niêm yết ở mức 1.274.000 đồng/lượng mua vào và 1.313.000 đồng/lượng bán ra tại Hà Nội. Tại TP.HCM, giá bạc cũng tăng lên mức 1.095.000 đồng/lượng bán ra. So với ngày trước đó, mức tăng trung bình khoảng 20.000–30.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá bạc ghi nhận ở mức 33,55 USD/ounce, tăng 0,5 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Theo nhận định của James Hyerczyk từ FX Empire, bạc đang duy trì được đà tăng nhờ sự hỗ trợ của đồng USD suy yếu và các yếu tố bất ổn tài chính từ Mỹ. Nếu vượt qua các mức kháng cự kỹ thuật 33,70 USD/ounce, giá bạc có thể hướng đến các ngưỡng cao hơn trong ngắn hạn.

Giá đồng chịu áp lực nguồn cung từ Trung Quốc và Indonesia

Giá đồng chuẩn trên sàn LME giảm 0,4%, xuống mức 9.498 USD/tấn. Trước đó, đầu phiên, giá từng chạm đáy 9.223,20 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 1/5.

Nguyên nhân chính khiến giá đồng suy yếu là do tồn kho tại Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh, cho thấy nhu cầu tiêu thụ yếu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đồng thời, nhà máy luyện kim Manyar của Freeport Indonesia cũng trở lại vận hành sớm hơn dự kiến, làm gia tăng kỳ vọng về nguồn cung dồi dào trong quý tới.

Tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng Mỹ, làm dấy lên lo ngại về tình hình tài chính nước này và xu hướng rút vốn khỏi tài sản rủi ro.

Thị trường thép và quặng sắt dao động hẹp

Trên thị trường Trung Quốc, giá thép thanh giao tháng 6 trên Sàn Thượng Hải giảm nhẹ 0,1% về mức 3.051 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên Sàn Đại Liên lại nhích nhẹ lên 771,5 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá giao dịch tại Singapore giảm xuống còn 99,86 USD/tấn.

Giá quặng giằng co trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư cân nhắc giữa nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và sản lượng tăng từ Australia, Brazil. Dữ liệu từ Mysteel cho thấy lượng quặng sắt vận chuyển từ hai quốc gia này tuần qua đạt 27,1 triệu tấn – tăng 11,7% so với tuần trước.

Tồn kho quặng tại 47 cảng Trung Quốc hiện ở mức 146,28 triệu tấn, giảm 1,74% trong tuần. Tuy nhiên, sản lượng quặng trong nước 4 tháng đầu năm đã giảm 12,2% so với cùng kỳ, theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc.

Tại Việt Nam, giá thép xây dựng giữ ổn định. Thép Hòa Phát loại CB240 duy trì ở mức 13.790 đồng/kg; Việt Đức báo giá 13.600 đồng/kg; Việt Sing ở mức 13.690 đồng/kg. Giá không có nhiều biến động do cung – cầu đang ở trạng thái cân bằng.

Nguyễn Trang