Vàng - Tỷ giá

Khan hàng tại các điểm bán chính thống, nhiều người chuyển sang cách này để săn vàng bất chấp rủi ro đang hiện hữu

Linh Đan 23/05/2025 07:51

Giá vàng duy trì ở vùng cao càng làm nhu cầu mua vàng vật chất tăng mạnh, tuy nhiên việc khan hàng tại các điểm chính thống đang khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang cách này để "săn vàng" với mức giá thậm chí còn rẻ hơn giá niêm yết.

Giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở vùng cao, bất chấp đà điều chỉnh nhẹ từ thị trường thế giới. Sáng ngày 23/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 120,5 triệu đồng/lượng bán ra, trong khi vàng nhẫn 999,9% ổn định quanh mốc 115,5 triệu đồng/lượng.

vang231.jpg
Giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở vùng cao, bất chấp đà điều chỉnh nhẹ từ thị trường thế giới

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tính đến sáng 23/5 (giờ Việt Nam) đã giảm mạnh về mức 3.303 USD/ounce, mất 37 USD so với đỉnh 3.340 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động chốt lời từ giới đầu cơ ngắn hạn, sau đà tăng liên tiếp những ngày qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích kỹ thuật và vĩ mô, vàng vẫn đang duy trì xu hướng tăng tiềm ẩn trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu toàn cầu biến động mạnh và áp lực lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hoàn toàn. Do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn ưu tiên nắm giữ vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Khó mua vàng chính hãng, nhiều người tìm sang mạng xã hội

Dù giá vàng neo cao, nhu cầu mua vàng vật chất vẫn rất lớn, đặc biệt là với các loại như vàng nhẫn tròn trơn, vàng miếng SJC. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy không phải lúc nào người dân cũng mua được vàng một cách dễ dàng từ các điểm chính thức.

Theo quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cho phép mua – bán vàng miếng SJC tại các điểm giao dịch được cấp phép. Thế nhưng, do tình trạng chung tại các điểm bán vàng là khan hàng hoặc quy trình rườm rà, không ít người đã chuyển hướng sang mua bán vàng “chui” qua mạng xã hội, bất chấp rủi ro pháp lý và lừa đảo.

Trên các nền tảng như Facebook, Telegram, Zalo… hiện xuất hiện hàng chục hội nhóm với tên gọi như “Mua bán vàng miếng SJC trực tuyến”, “Vàng SJC giá tốt không qua trung gian”…, có hàng chục, thậm chí trăm nghìn thành viên tham gia giao dịch mỗi ngày.

Các bài đăng thường công khai lượng vàng đang có, giá giao dịch kỳ vọng và hứa hẹn có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ từ ngân hàng hoặc công ty vàng bạc uy tín. Giá bán thường được ấn định ở mức trung bình giữa giá mua – bán niêm yết chính thức, giúp cả bên bán lẫn bên mua cảm thấy “có lợi”.
Ví dụ, nếu trong ngày giá vàng miếng SJC được niêm yết 115 – 118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), thì giá trên mạng sẽ là khoảng 116,5 triệu đồng/lượng.

vang23.jpg
Các bài đăng thường công khai lượng vàng đang có, giá giao dịch kỳ vọng và hứa hẹn có đầy đủ hóa đơn (Ảnh chụp màn hình)

Chuyên gia lý giải và cảnh báo bẫy lừa

Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc người dân tìm đến giao dịch trên mạng là hệ quả của tình trạng khan hiếm hàng hoặc khó tiếp cận tại các điểm chính thống. “Từng có thời điểm, người dân đăng ký mua vàng nhưng đến giờ mở bán thì đã hết suất. Điều này khiến dịch vụ mua bán suất xuất hiện, tạo tâm lý bất an và chuyển hướng sang giao dịch không chính thống”, ông Huân nói.

Cũng theo ông, nhiều người dân chấp nhận mua vàng với giá chênh cao hơn so với niêm yết, miễn là có thể “sở hữu được vàng” trong bối cảnh giá liên tục tăng và lo ngại sẽ tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, việc mua vàng qua mạng tiềm ẩn vô vàn rủi ro – đặc biệt là các chiêu trò giả mạo thương hiệu, mạo danh website của công ty vàng lớn để lừa đảo người dân.

Không chỉ các chuyên gia, Công ty vàng bạc đá quý SJC thời gian qua liên tục phát hiện các website giả mạo mang tên thương hiệu của mình, sử dụng logo gần giống để đánh lừa người dùng. Công ty đã đưa ra thông báo khẳng định: "Tất cả giao dịch chỉ thực hiện tại các điểm chính thức của SJC", đồng thời khuyến cáo khách hàng không chuyển khoản, đặt cọc trước qua bất kỳ hình thức nào không xác minh được.

Công an TP.Hà Nội cũng vừa phát đi cảnh báo về các chiêu trò tinh vi nhắm vào người dân đang có tâm lý muốn mua vàng tích trữ. Theo đó, các đối tượng thường tạo website, fanpage mạo danh, thay đổi một vài ký tự tên thương hiệu để gây nhầm lẫn thị giác, rồi hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thay vì tài khoản doanh nghiệp.

Một số chiêu trò khác bao gồm: Giả lập giấy xác nhận “đặt hàng thành công” có đóng logo, tổ chức đấu giá vàng trực tuyến, rao bán vàng góp hoặc đầu tư nhóm cam kết sinh lời sau 3–5 tháng.

Dù giá vàng biến động, giới chuyên gia đều khẳng định vàng vẫn là tài sản phòng thủ quan trọng trong danh mục dài hạn, đặc biệt khi lạm phát, lãi suất và các rủi ro địa chính trị vẫn còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên, việc đầu tư vào vàng, nhất là vàng vật chất đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ. Người dân chỉ nên giao dịch tại các điểm được cấp phép, từ chối chuyển khoản vào tài khoản không rõ ràng, và luôn xác minh thông tin khi có nghi ngờ. Trong thời đại kỹ thuật số, sự tiện lợi không thể thay thế được yếu tố an toàn.

Linh Đan