Chứng khoán Mỹ chao đảo: Nhà đầu tư bán khống lỗ hơn 250 tỷ USD
Chứng khoán Mỹ giằng co khi nhà đầu tư bán khống lỗ hơn 250 tỷ USD; cổ phiếu Nvidia, Tesla bứt phá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5 theo giờ Mỹ (rạng sáng 23/5 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều. Chỉ số S&P 500 giảm 2,60 điểm (0,044%) xuống 5.842,01 điểm. Dow Jones lùi 1,35 điểm (0,0032%) về 41.859,09 điểm. Ngược lại, Nasdaq Composite tăng 53,09 điểm (0,28%) lên mức 18.925,73 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có tới 8 nhóm giảm điểm, dẫn đầu là tiện ích công cộng, y tế, năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông và công nghệ ghi nhận sắc xanh.

Theo dữ liệu từ S3 Partners, kể từ đáy thị trường ngày 8/4 đến hết phiên 20/5, các nhà đầu tư bán khống đã ghi nhận tổng mức lỗ hơn 250 tỷ USD. Đáng chú ý, toàn bộ cổ phiếu thuộc nhóm "Magnificent Seven" đều góp mặt trong top 20 mã gây thua lỗ nặng nhất cho bên bán khống.
Riêng hai cổ phiếu Nvidia (NVDA) và Tesla (TSLA) khiến nhà đầu tư bán khống thiệt hại hơn 19 tỷ USD trong giai đoạn này. Nvidia được hưởng lợi nhờ kỳ vọng tích cực trước thềm báo cáo tài chính ngày 28/5, cùng thông tin nới lỏng các hạn chế thương mại đối với ngành bán dẫn. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla tăng 1,92% lên 341,04 điểm nhờ sự trở lại điều hành trực tiếp của CEO Elon Musk sau thời gian tập trung vào các dự án bên ngoài.
Palantir Technologies (PLTR) tăng 1,42% lên 122,29 điểm sau khi Bank of America nâng giá mục tiêu lên 150 USD, đồng thời nhận định doanh nghiệp này là "người định nghĩa thị trường" trong mảng AI dành cho khối doanh nghiệp.
First Solar (FSLR) giảm 4,3% xuống 156,35 điểm, dù được Wolfe Research nâng xếp hạng lên "vượt trội" và điều chỉnh giá mục tiêu lên 221 USD. Báo cáo từ Wolfe nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của First Solar tại thị trường Mỹ trong bối cảnh Hạ viện không cắt giảm ưu đãi thuế cho năng lượng mặt trời, đồng thời gia tăng siết chặt nhập khẩu từ Trung Quốc.
Super Micro Computer (SMCI) lùi 0,89% về 41,32 điểm, bất chấp việc được Raymond James bắt đầu đánh giá vượt mức và đặt mục tiêu giá 41 USD. Raymond James nhận định Supermicro đang nổi lên là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về hạ tầng tối ưu cho trí tuệ nhân tạo, dù triển vọng doanh thu gần đây bị điều chỉnh giảm.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 22/5 (giờ địa phương) đã ra phán quyết bảo vệ quyền tự chủ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ngay cả khi đồng ý với quyền của Tổng thống trong việc sa thải các thành viên thuộc hai cơ quan độc lập khác – Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia và Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công chức.
Dù chưa trực tiếp liên quan đến Fed, phán quyết này được xem là tín hiệu củng cố vị thế độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách như Chủ tịch Jerome Powell đối mặt với áp lực chính trị gia tăng từ Nhà Trắng.
Cùng ngày, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết ông vẫn thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay, song nhấn mạnh triển vọng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô đặc biệt là chính sách tài khóa của Chính phủ Mỹ.
Ông không nêu rõ thời điểm cụ thể hay mức độ điều chỉnh, trong bối cảnh lãi suất chuẩn hiện dao động trong khoảng 4,25–4,50%. Trong khi thị trường tài chính kỳ vọng một đợt nới lỏng nhẹ vào nửa cuối năm, ông Waller lưu ý rằng các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về hiệu quả của các dự luật ngân sách và thuế, vốn bị đánh giá là chưa đủ sức giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng.