Chính sách - Đầu tư

Nghệ An hợp nhất 32 đơn vị thanh tra, chỉ còn 1 đầu mối

Nguyễn Trang 22/05/2025 17:10

Nghệ An vừa công bố đề án tinh gọn hệ thống thanh tra, chấm dứt hoạt động các đơn vị cũ để hợp nhất về một đầu mối duy nhất là Thanh tra tỉnh.

Một đầu mối duy nhất thay thế 32 đơn vị cũ

UBND tỉnh Nghệ An vừa chính thức phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức lại hệ thống thanh tra trong toàn tỉnh, hướng đến mô hình tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn. Theo đề án, toàn bộ 12 đơn vị Thanh tra sở và 20 đơn vị Thanh tra cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động, hợp nhất về Thanh tra tỉnh Nghệ An, đơn vị duy nhất làm đầu mối thực hiện công tác thanh tra trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An

Với việc hợp nhất này, số đầu mối tổ chức giảm mạnh từ 33 xuống còn 1, tương ứng mức tinh giản 96,97%. Đây là một bước đi lớn trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra, một lĩnh vực đòi hỏi sự tập trung nguồn lực, đồng bộ chuyên môn và thống nhất chỉ đạo để bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát trong bộ máy công quyền.

Tổ chức mới của Thanh tra tỉnh sẽ gồm Chánh Thanh tra, không quá 4 Phó Chánh Thanh tra và 8 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương. Trong đó, các phòng được thiết kế theo lĩnh vực và địa bàn cụ thể như: Văn phòng; Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo địa bàn 1 (Phòng I); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo địa bàn 2 (Phòng II); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo địa bàn 3 (Phòng III); Phòng Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Phòng IV); Phòng Theo dõi, đôn đốc, giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Phòng V); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực Xây dựng, Tài chính, Công Thương (Phòng VI); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Khoa học - Công nghệ (Phòng VII); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ, Tư pháp, Dân tộc - Tôn giáo, Ngoại vụ (Phòng VIII).

Ổn định nhân sự đến năm 2030, không phát sinh biên chế

Tổng biên chế của Thanh tra tỉnh sau khi sắp xếp được xác định là 155 công chức, duy trì ổn định đến hết năm 2030. Đề án cũng khẳng định không làm tăng thêm tổng biên chế công chức toàn tỉnh, tuân thủ quy định về tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Về phương án nhân sự, những công chức hiện đang làm việc tại Thanh tra tỉnh sẽ được giữ nguyên vị trí. Lực lượng bổ sung sẽ đến từ các công chức đang làm công tác thanh tra tại các sở, ngành và UBND cấp huyện nếu đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh chính trị và nguyện vọng công tác.

Trong trường hợp số lượng công chức có nguyện vọng không đủ so với nhu cầu, đề án cho phép xem xét tiếp nhận thêm công chức từ các cơ quan khác trong hệ thống chính trị tỉnh, miễn là đáp ứng yêu cầu về trình độ, chuyên môn và phù hợp với vị trí công việc.

Đặc biệt, việc bố trí cán bộ giữ chức vụ Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra các đơn vị sáp nhập sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đánh giá tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và yêu cầu công tác. Những trường hợp không còn giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được giải quyết chế độ chính sách theo quy định hiện hành.

Nâng cao tính chuyên sâu, tránh phân tán nguồn lực

Trước khi sắp xếp, hệ thống thanh tra của tỉnh Nghệ An gồm Thanh tra tỉnh với 49 công chức và 6 phòng nghiệp vụ; 12 Thanh tra sở với 123 công chức và 20 Thanh tra cấp huyện với 97 công chức. Mô hình cũ tuy đáp ứng nhu cầu phân cấp nhưng tồn tại những bất cập về sự chồng chéo chức năng, thiếu tập trung chuyên môn và khó đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, việc duy trì ổn định số lượng công chức hiện tại, đồng thời mở ra khả năng điều chỉnh tăng khi cần thiết, cho thấy chính quyền tỉnh Nghệ An không chỉ quan tâm đến tinh gọn bộ máy, mà còn đảm bảo chất lượng và tính bền vững của đội ngũ thanh tra trong dài hạn.

Nguyễn Trang