Hàng loạt dự án ở Đà Nẵng có nguy cơ bị chậm lại vì khan hiếm một thứ tưởng chừng luôn sẵn có
Cát xây dựng khan hiếm, giá tăng ‘chóng mặt’ khiến nhiều dự án đầu tư công Đà Nẵng nguy cơ chậm tiến độ.
Nhà sản xuất bê tông đồng loạt ngừng cung cấp
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông và Nông nghiệp Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi UBND TP, nêu thực trạng khan hiếm cát khiến nhiều công trình lâm vào nguy cơ gián đoạn, không thể triển khai đúng tiến độ.
Theo phản ánh từ các nhà thầu, cát dùng để san lấp, làm lớp đệm nền móng và trộn bê tông tại chỗ đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Trong bối cảnh thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh thi công, việc không có đủ vật liệu đã khiến một số dự án gần như phải tạm dừng chờ vật tư. Đặc biệt, tình trạng này còn lan sang chuỗi sản xuất bê tông thương phẩm – một loại vật liệu thiết yếu được cung ứng cho phần lớn dự án đầu tư công tại Đà Nẵng hiện nay.

Một loạt nhà sản xuất bê tông thương phẩm đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán, thậm chí tạm ngừng cung cấp. Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Thương mại Việt Hàn – Chi nhánh Quảng Nam, Công ty CP Đầu tư Thương mại Phước Yên đã chính thức dừng giao hàng. Công ty CP Vinaconex 25 (HNX: VCC) từ ngày 21/5 đã ngừng nhận đơn hàng mới, tăng giá 120.000 đồng/m³ từ ngày 22/5 và chỉ cung cấp giới hạn cho một số đối tác lâu năm. Trạm bê tông Sông Hàn và Công ty Sỹ Kiên Mạnh cũng đồng loạt tăng giá từ 20–30% và ưu tiên khách hàng lớn.
Theo Ban Quản lý, có ít nhất bốn công trình trọng điểm đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp cầu Biện; hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân – Cẩm Lệ; công trình kè sông Yên và kè Cu Đê. Các trạm cung cấp bê tông chính như Vinaconex 25 và Sông Hàn đều không thể đảm bảo tiến độ giao hàng. Đáng chú ý, tại dự án kè Cu Đê, không chỉ thiếu cát mà cả đá xây dựng cũng khan hiếm, khiến nguy cơ chậm tiến độ và đội vốn ngày càng hiện hữu.

Khảo sát thị trường trong vòng hai tuần gần đây cho thấy giá cát xây dựng đã tăng gần gấp đôi, từ mức 300.000 đồng/m³ lên gần 700.000 đồng/m³. Các đại lý phân phối cát tại địa bàn Đà Nẵng cũng thừa nhận không có hàng để giao. Nguyên nhân được xác định là do nhiều mỏ khai thác cát tại Quảng Nam – nguồn cung chủ lực – đã tạm ngừng hoạt động hoặc bán ra rất hạn chế. Chuỗi cung ứng vật liệu bị đứt gãy đã ảnh hưởng toàn diện đến các nhà sản xuất bê tông, nhà thầu xây dựng và tiến độ giải ngân đầu tư công.
Hai nhà thầu cùng bị loại vì không lo được vật liệu
Không chỉ có cát, các loại vật liệu khác như đá hộc, đất san lấp cũng trong tình trạng khan hiếm. Mới đây, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông và Nông nghiệp TP. Đà Nẵng công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây dựng kè chống sạt lở tại các tuyến sông xung yếu, trị giá hơn 162 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn, hai nhà thầu đã bị loại chỉ vì không chứng minh được nguồn cung đá hộc – loại vật liệu chiếm khối lượng hơn 145.000m³ trong gói thầu.
Cụ thể, liên danh Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Thanh Hóa – Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình bị loại vì chỉ nộp hợp đồng nguyên tắc với các mỏ đá ở Huế, nhưng thiếu phương án vận chuyển, chưa làm rõ được cam kết từ đơn vị cung cấp. Một số mỏ còn từ chối xác nhận cung cấp do đã ký hợp đồng với đối tác khác. Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – đơn vị còn lại – đề xuất sử dụng mỏ đá Hưng Long ở Quảng Nam, cách công trình tới 100 km, và cũng không chứng minh được năng lực vận chuyển hoặc tổ chức thi công từ đơn vị thi công phụ là Lũng Lô số 8.
Tại gói thầu này, liên danh gồm một doanh nghiệp có trụ sở ở tỉnh Khánh Hòa và một doanh nghiệp ở Hải Dương đã được công bố trúng thầu.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khan hiếm vật liệu, chỉ các nhà thầu có sẵn mỏ khai thác hoặc cam kết mạnh từ đơn vị cung ứng mới có thể đáp ứng điều kiện kỹ thuật và tiến độ. Còn lại, phần lớn nhà thầu nhỏ hoặc thiếu năng lực bị loại từ vòng sơ tuyển.
Để giảm áp lực lên các công trình trọng điểm, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản – đơn vị đang khai thác mỏ đá tại xã Hòa Sơn. Theo đó, toàn bộ sản lượng khai thác sẽ được ưu tiên cung cấp cho cao tốc Hòa Liên – Túy Loan và các dự án hạ tầng quan trọng của thành phố. Đây được xem là giải pháp tình thế để đảm bảo nguồn cung cho các công trình đã khởi công.
Phía tỉnh Quảng Nam – nơi cung cấp phần lớn vật liệu xây dựng cho Đà Nẵng – cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục pháp lý để đưa thêm mỏ mới vào khai thác. UBND tỉnh đã giao các sở ngành liên quan thẩm định công suất, thời hạn, đánh giá tác động môi trường và đẩy nhanh quy trình cấp phép. Song song đó, Thanh tra tỉnh đã công bố quyết định thanh tra chuyên đề về công tác quản lý khoáng sản, nhằm kiểm soát hoạt động đấu giá, nghĩa vụ tài chính và tình trạng đầu cơ găm hàng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Với nhiều dự án trọng điểm đã khởi động và yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, việc ổn định thị trường vật liệu xây dựng đang trở thành bài toán cấp bách không chỉ riêng với Đà Nẵng, mà cả khu vực miền Trung nói chung. Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tình trạng chậm tiến độ và đội vốn có thể tiếp tục lan rộng trong thời gian tới.