Mô hình mới

Nông dân Nghệ An nuôi thứ đặc biệt "chạm vào là đau", sau 14 năm thu về tiền tỷ, lãi hàng năm mới đáng nể

Tuấn Anh 22/05/2025 11:27

Mô hình đặc biệt của nông dân Nghệ An giúp thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, là hướng đi hiệu quả trong đa dạng hóa vật nuôi ở nông thôn.

Hành trình 14 năm khởi nghiệp từ con nhím

Từng được mệnh danh là “xứ nhút”, huyện Thanh Chương (Nghệ An) không thiếu những mô hình làm nông sáng tạo. Nhưng ít ai ngờ rằng con nhím – loài động vật hoang dã nhiều gai lại trở thành “kênh đầu tư” sinh lời ổn định của một nông dân địa phương. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Tiến Ái, ở khối 5, thị trấn Dùng.

Trại nhím quy mô 500m2 của gia đình ông Nguyễn Tiến Ái
Trại nhím quy mô 500m2 của gia đình ông Nguyễn Tiến Ái (Ảnh: Báo Nghệ An)

Bắt đầu từ năm 2011, sau khi đọc được thông tin về mô hình nuôi nhím tại các tỉnh phía Bắc, ông Ái đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 2 cặp giống đầu tiên. Khi đó, đây là một quyết định mạo hiểm vì thị trường chưa phổ biến, kinh nghiệm gần như bằng không. Nhưng chính tinh thần dám nghĩ dám làm đã giúp ông từng bước xây dựng mô hình chăn nuôi nhím lớn nhất huyện hiện nay.

Điểm đặc biệt là nhím rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh, có thể tận dụng thức ăn phổ thông như rau củ, cám, gạo, ngô, khoai... giúp chi phí nuôi cực thấp, dưới 1.000 đồng/con/ngày.

Từ 4 con ban đầu, sau 14 năm, ông Ái đã sở hữu đàn nhím lên đến 300 con, trong đó có nhiều cặp sinh sản. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán trên 1 tấn nhím thương phẩm và hàng chục cặp giống, thu về hơn 400 triệu đồng – mức thu nhập mơ ước với nhiều hộ nông dân hiện nay.

Bí quyết thành công từ kỹ thuật phối giống đến thị trường đầu ra

Thành công của ông Ái không phải ngẫu nhiên. Đằng sau đó là quá trình học hỏi nghiêm túc, tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là kỹ năng phối giống – yếu tố then chốt quyết định năng suất.

Từ nhiều năm nay, hàng năm ông Nguyễn Tiến Ái xuất bán trên 1 tấn nhím thịt và luôn duy trì nuôi 300 cá thể nhím
Từ nhiều năm nay, hàng năm ông Nguyễn Tiến Ái xuất bán trên 1 tấn nhím thịt và luôn duy trì nuôi 300 cá thể nhím (Ảnh: Báo Nghệ An)

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Ái cho biết: “Để kiểm tra sự phù hợp của cặp nhím đực – cái, tôi đặt con đực vào lồng sắt và đưa vào chuồng nhím cái. Nếu sau một ngày mà nhím cái không tấn công, có thể ghép đôi”. Nhờ phương pháp này, tỷ lệ phối giống thành công cao, giúp tăng nhanh quy mô đàn mà không bị hao hụt.

Ông Ái cũng chú trọng vấn đề vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch, giúp đàn nhím hiếm khi gặp dịch bệnh, dễ xử lý khi mắc các bệnh nhẹ như đau bụng, đau mắt.

Thị trường tiêu thụ cũng là điểm sáng trong mô hình. Nhím thịt của gia đình ông hiện được cung cấp cho nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM…, với giá bán ổn định 300.000 – 350.000 đồng/kg. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung còn hạn chế, khiến mô hình này có dư địa phát triển lớn.

Không dừng lại ở hiện tại, ông Ái đang lên kế hoạch mở rộng thêm 300m² chuồng trại, đồng thời tận dụng khu đất vườn để trồng mít – vừa tận dụng phân nhím làm phân bón hữu cơ, vừa tạo nguồn thức ăn mà nhím rất ưa thích.

Gợi ý cho chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả và bền vững

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Chương, đánh giá: “Ông Nguyễn Tiến Ái là nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất giỏi, không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có uy tín trong cộng đồng. Ông là khối trưởng suốt 10 năm qua và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”.

Nhím thương phẩm nuôi được trên 1 năm là xuất bán
Nhím thương phẩm nuôi được trên 1 năm là xuất bán (Ảnh: Báo Nghệ An)

Mô hình của ông Ái cũng đang được coi là hình mẫu chuyển đổi vật nuôi hợp lý, trong bối cảnh nông nghiệp cần đa dạng hóa theo hướng hiệu quả, ít rủi ro. Tuy nhiên, để có thể phát triển quy mô lớn hơn, ông Ái và các hộ nuôi nhím khác rất cần cơ chế pháp lý rõ ràng từ cơ quan chức năng, đặc biệt về việc nuôi sinh sản động vật hoang dã.

Nếu được hỗ trợ về mặt pháp lý, mô hình nuôi nhím hoàn toàn có thể mở rộng và nhân rộng không chỉ ở Nghệ An mà nhiều vùng khác, từ đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho nông dân.

Tuấn Anh