Vàng - Tỷ giá

Không chỉ USD suy yếu, đây mới là “ngòi nổ” chính đẩy vàng lên đỉnh?

Nguyễn Đăng 22/05/2025 10:00

Giá vàng đang tăng mạnh bất chấp đã neo ở vùng đỉnh kỷ lục. USD yếu đi, địa chính trị bất ổn, nhưng đó có thực sự là lý do sâu xa?

Giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh, duy trì quanh mốc 3.300 USD/ounce sau khi tổ chức xếp hạng Moody’s hạ tín nhiệm nợ công Mỹ. USD suy yếu rõ rệt, khiến dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản an toàn như vàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lực đẩy chính của giá vàng hiện tại không chỉ đến từ những rủi ro ngắn hạn, mà còn từ một cuộc “tái thiết lập hệ thống tài chính” đang diễn ra tại châu Á - dẫn đầu bởi Trung Quốc.

giá vàng (1)
Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn vàng trong tháng 4

Theo số liệu hải quan mới công bố, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 127,5 tấn vàng trong tháng trước - mức cao nhất trong 11 tháng qua và tăng tới 73% so với tháng Ba, bất chấp thời điểm đó giá vàng đã vươn lên vùng đỉnh lịch sử gần 3.500 USD/ounce.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho là đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh từ giới đầu tư trong nước - cả tổ chức lẫn cá nhân - trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao điểm.

Thị trường vàng Trung Quốc tiếp tục sôi động trong tháng này khi nhà đầu tư nước này tích cực mua vào khi giá giảm, đẩy giá vàng phục hồi trở lại trên ngưỡng 3.300 USD/ounce.

Giới phân tích nhận định, việc Trung Quốc tăng cường tích trữ vàng không đơn thuần là phản ứng ngắn hạn với thị trường. Theo ông Charles-Henry Monchau - Giám đốc Đầu tư tại Syz Group - Bắc Kinh đang triển khai một chiến lược tài chính dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD và tái định hình trật tự tiền tệ quốc tế.

Thay vì nắm giữ khối lượng lớn tài sản định danh bằng USD - vốn dễ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt tài chính từ Mỹ - Trung Quốc đang âm thầm xây dựng “kiến trúc tài chính song song” bằng cách gia tăng dự trữ vàng và thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) thông qua các nền tảng như Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE).

Monchau cũng dẫn các báo cáo cho thấy lượng vàng thực sự mà PBoC nắm giữ có thể cao gấp nhiều lần con số công bố chính thức, với dự trữ có thể vượt mốc 5.000 tấn. Việc chuyển đổi dần USD sang vàng giúp Trung Quốc gia tăng đòn bẩy tài chính mà không gây hoảng loạn thị trường như việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.

Ông Stephen Innes - chuyên gia chiến lược thị trường tại SPI Asset Management - nhận định, sự kiên định của nhà đầu tư nội địa Trung Quốc với vàng trong bối cảnh giá điều chỉnh cho thấy đây là một động lực nền tảng chứ không phải cơn sốt ngắn hạn.

“Đây là một cuộc tái thiết lập. Lực mua vật chất từ Trung Quốc, vị thế đầu tư tại phương Tây còn nhẹ và dòng vốn đổ vào quyền chọn vàng đều cho thấy: xu hướng tăng giá của vàng chưa kết thúc, nó chỉ đang tích lũy để bứt phá”, ông Innes nói.

Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới khẳng định thị trường vàng đủ sâu và thanh khoản cao để hấp thụ các cú sốc. Giao dịch vàng toàn cầu đạt trung bình 165 tỷ USD mỗi ngày - chỉ đứng sau hợp đồng tương lai S&P 500 - củng cố vị thế của vàng như một tài sản chiến lược trong thời kỳ bất ổn.

Ngoài yếu tố nội tại từ Trung Quốc, giá vàng còn nhận thêm lực đẩy từ tình hình kinh tế Mỹ và căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt 9,5 điểm cơ bản, lên mức 4,58%, trong khi lợi suất thực cũng tăng lên 2,229%. Cùng lúc, giá vàng tăng mạnh do lo ngại về sự gia tăng nợ công Mỹ. Tuần trước, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã khiến đồng USD bị bán tháo, đồng thời thúc đẩy giá vàng đi lên trong bối cảnh tình hình tài khóa ngày càng xấu đi.

Các quan chức Fed cho biết chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp, trong khi thừa nhận việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu có thể gây áp lực lạm phát và cần giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá vàng là thông tin do CNN đăng tải, cho biết Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran – động thái làm gia tăng rủi ro địa chính trị trong khu vực.

Dữ liệu từ sàn CBOT cho thấy thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm khoảng 48,5 điểm cơ bản lãi suất vào cuối năm nay.

Theo FXstreet, giá vàng đang duy trì chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, với các mức đỉnh và đáy ngày càng cao - dấu hiệu cho thấy đà tăng đang được củng cố. Chỉ báo RSI cho thấy đà tăng vẫn còn dư địa trước khi bước vào vùng quá mua, qua đó hàm ý xu hướng tăng có thể còn tiếp tục.

Ngưỡng kháng cự gần nhất là 3.350 USD/ounce. Nếu vượt qua, giá vàng có thể tiến tới mốc 3.400 USD, sau đó là mức đỉnh ngày 7/5 tại 3.438 USD và xa hơn là mức đỉnh lịch sử 3.500 USD.

Ở chiều ngược lại, phe bán cần kéo giá xuống dưới mốc 3.300 USD để xác lập xu hướng giảm. Nếu thủng vùng này, hỗ trợ gần nhất sẽ là đáy ngày 20/5 tại 3.204 USD, tiếp theo là đường trung bình động 50 ngày tại 3.184 USD.

>>> Trong vòng xoáy giá vàng, ai cười, ai khóc?

Nguyễn Đăng