Về quê làm giàu, nông dân Hà Nam nuôi trồng thứ "tinh túy" của địa phương, vừa có tiếng vừa thu hàng trăm triệu mỗi năm
Một nông dân trẻ tại Hà Nam đang gây chú ý khi phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao, kết hợp bản sắc văn hóa, thu về hàng trăm triệu đồng.
Hành trình khởi nghiệp từ cây sen
Năm 2022, anh Trần Đăng Nhàn – một nông dân trẻ có nền tảng trong lĩnh vực truyền thông đã lựa chọn trở về quê nhà Hà Nam để khởi nghiệp với cây sen, loài thực vật mang đậm chiều sâu văn hóa Việt. Từ ý tưởng giữ gìn “hồn sen Việt” và nâng cao giá trị cây trồng bản địa, anh cùng cộng sự thành lập Hợp tác xã (HTX) Hoàng Trà, phát triển hơn 15 mẫu vùng nguyên liệu tại thị xã Duy Tiên và đầu tư vào chuỗi chế biến trà sen ứng dụng công nghệ cao.

HTX Hoàng Trà nhanh chóng khẳng định được lợi thế khi sở hữu nhà xưởng diện tích trên 200m², được trang bị hệ thống máy sấy thăng hoa công suất lớn – công nghệ giúp giữ lại tối đa hương thơm, màu sắc và dưỡng chất tự nhiên của sen. Với 4 máy sấy từ 20–100kg/ngày, đây là một trong những cơ sở chế biến có quy mô sấy thăng hoa lớn nhất miền Bắc. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng hơn 3.000 hộp hoặc bông sen ướp trà, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 17 lao động, phần lớn là phụ nữ địa phương.
Sản phẩm trà sen Hoàng Trà được chế biến từ trà xanh Thái Nguyên OCOP 4 sao và giống sen Bách Diệp trồng tại địa phương, tạo nên hương vị thanh nhã, thuần khiết. Quy trình ướp trà được thực hiện qua ba công đoạn: tiền ướp, chính ướp và hậu ướp, sau đó được hút chân không hoặc cấp đông để giữ chất lượng. Khác với nhiều dòng trà hương thông thường, sản phẩm của Hoàng Trà sử dụng toàn bộ cánh hoa sen tươi, giúp tinh chất thẩm thấu sâu vào trà, tạo ra màu sắc đặc trưng và hương thơm bền lâu.
Mô hình nông dân sáng tạo: Từ sản xuất đến số hóa
Không dừng lại ở dòng trà sen truyền thống, HTX còn phát triển nhiều sản phẩm mới như trà túi lọc, rượu sen, hạt sen sấy,... phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu. Toàn bộ quy trình sản xuất – đóng gói – truy xuất nguồn gốc – phân phối đều được số hóa, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Hà Nam trong thời đại hội nhập số.

Dù đạt nhiều thành tựu, mô hình trồng sen vẫn đối mặt với thách thức về thời tiết. Cây sen phát triển tốt trong điều kiện ấm áp, nhưng nếu khí hậu se lạnh kéo dài hoặc mưa lớn đầu vụ, tỷ lệ ra hoa sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nguyên liệu. Trước thực tế đó, HTX đang từng bước mở rộng hướng đi đa giá trị, không chỉ dừng ở thương mại mà còn khai thác yếu tố văn hóa và du lịch.
“Chúng tôi mong muốn tạo nên không gian trải nghiệm trà sen – nơi du khách có thể tham gia hái sen, ướp trà, thưởng trà ngay bên hồ. Xa hơn là mở lớp dạy văn hóa trà Việt, để tinh hoa này lan tỏa tới giới trẻ và bạn bè quốc tế”, anh Trần Đăng Nhàn chia sẻ.
Hiện nay, HTX Hoàng Trà tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ OCOP, đồng thời phân phối qua hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội cùng một số tỉnh thành. Với phương châm “giữ hồn Việt trong từng sản phẩm”, trà sen Hoàng Trà đang từng bước trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nam.
Ghi nhận từ cộng đồng và các tổ chức chuyên môn
Năm 2024, HTX Hoàng Trà nhận Giải thưởng Mai An Tiêm (Coop Gold Product Awards 2024) từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – ghi nhận sản phẩm tiêu biểu trong hệ thống HTX cả nước. Cá nhân anh Trần Đăng Nhàn cũng được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia về trà sen, ghi nhận nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề trà truyền thống.

Theo ông Đỗ Xuân Trường – Giám đốc Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, mô hình HTX Hoàng Trà không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành hỗ trợ HTX mở rộng vùng nguyên liệu, quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP và kết nối các kênh tiêu thụ trong và ngoài tỉnh,” ông Trường khẳng định.
Về phần mình, anh Trần Đăng Nhàn cho rằng mỗi chén trà không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là câu chuyện về đất, người và văn hóa Việt Nam. “Khi có thương hiệu, có chất lượng và bản sắc, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn ra thế giới”, anh nói.