Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập Hậu Giang - Sóc Trăng: Lịch sử tỉnh "Hậu Giang cũ" và định hình cực tăng trưởng mới cho Cần Thơ

Tuấn Anh 21/05/2025 11:10

Từng sáp nhập với Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang hiện nay đều là những địa phương năng động của đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn sáp nhập lịch sử: Tỉnh Hậu Giang cũ (1976 – 1991)

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, tổ chức bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội. Năm 1976, ba tỉnh cũ là Cần Thơ, Sóc Trăng và một phần tỉnh Rạch Giá được sáp nhập để thành lập tỉnh Hậu Giang.

Hậu Giang
Hậu Giang từng chia tách rồi sáp nhập nhiều lần trong lịch sử

Tỉnh Hậu Giang mới hợp nhất lúc bấy giờ có diện tích lớn, dân số đông, trải dài từ trung tâm Cần Thơ đến các vùng ven biển của Sóc Trăng ngày nay. Việc sáp nhập được thực hiện trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh công cuộc tái thiết sau chiến tranh, đồng thời chuẩn hóa bộ máy hành chính theo hướng tập trung hơn.

Tuy nhiên, đến năm 1991, do những khác biệt về địa lý, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu quản lý hiệu quả, Quốc hội đã quyết định chia tách tỉnh Hậu Giang cũ thành hai đơn vị hành chính mới: tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ (sau này, vào năm 2004, Cần Thơ tiếp tục được tách ra thành thành phố trực thuộc Trung ương, phần còn lại trở thành tỉnh Hậu Giang như hiện nay).

Đến năm nay 2025, theo Nghị quyết 60 NQ-TW, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng sẽ được sáp nhập vào thành phố Cần Thơ, hình thành một đơn vị hành chính mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Đơn vị hành chính mới dự kiến có diện tích 6.360,8 km², dân số khoảng 4.061.292 người, với 100 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 31 phường và 69 xã. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ hiện nay.

Sáp nhập không chỉ để gom địa giới

Việc tổ chức lại địa giới hành chính ở miền Tây Nam Bộ không chỉ là vấn đề diện tích hay dân số mà cần tính đến các yếu tố về giao thông kết nối, bản sắc văn hóa và khả năng điều hành quản lý phù hợp với từng vùng dân cư.

Về mặt địa hình, Sóc Trăng là tỉnh ven biển với hệ sinh thái nước mặn, lợ, còn Hậu Giang nằm sâu trong nội đồng, đất ngọt quanh năm, thích hợp cho nông nghiệp truyền thống. Sự khác biệt này dẫn đến định hướng phát triển kinh tế đa dạng.

Sóc Trăng mạnh ở các vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển cảng biển và công nghiệp chế biến, còn Hậu Giang mạnh ở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hạ tầng logistics.

Kinh tế hiện nay: Hai tỉnh – hai điểm sáng của đồng bằng

Sóc Trăng hiện là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, tôm sú và cá tra. Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt gần 72.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Dịch vụ – thương mại chiếm hơn 45%, công nghiệp xây dựng 28%, nông – lâm – thủy sản khoảng 24%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD, phần lớn đến từ chế biến thủy sản và nông sản.

Sóc Trăng
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nên thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản phát triển rất mạnh mẽ

Hậu Giang trong khi đó tập trung đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối với TP. Cần Thơ. Năm 2024, GRDP tăng 8,1%, là một trong những mức tăng trưởng cao nhất vùng ĐBSCL. Thu hút đầu tư FDI, phát triển logistics và cụm liên kết vùng là chiến lược đang được tỉnh này đẩy mạnh.

Tuấn Anh