Hàng hóa - Giá cả

Giá sầu riêng hôm nay 21/5: Không chỉ đứng đỉnh nhiều ngày, sầu riêng Việt còn đang áp sát Thái Lan

Ánh Kim 21/05/2025 3:04

Giá sầu riêng hôm nay 21/5 duy trì ổn định trong khoảng 25.000 – 90.000 đồng/kg. Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn thứ hai tại thị trường Trung Quốc.

Miền Tây giữ giá cao nhất, miền Đông và Tây Nguyên ổn định

Theo khảo sát từ chogia.vn, giá sầu riêng tại các vựa thu mua chính trên cả nước trong ngày 21/5 tiếp tục duy trì ổn định, không có nhiều biến động so với phiên trước. Mức giá dao động trong khoảng 25.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại và khu vực.

saurieng21.jpg
Giá sầu riêng hôm nay 21/5 duy trì ổn định trong khoảng 25.000 – 90.000 đồng/kg

Miền Tây Nam Bộ hiện là khu vực có giá sầu riêng cao nhất cả nước, đặc biệt với sầu riêng Thái loại đẹp đang được thu mua với mức 85.000 – 90.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 lựa chọn đẹp cũng giữ ổn định ở mức 60.000 – 65.000 đồng/kg, trong khi hàng xô dao động từ 25.000 – 28.000 đồng/kg.

Tại miền Đông Nam Bộ, sầu riêng Thái loại đẹp đang được giao dịch trong khoảng 75.000 – 85.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn so với miền Tây, phản ánh sự khác biệt về chất lượng trái và nhu cầu nội vùng. Riêng sầu riêng xô ở khu vực này vẫn phổ biến quanh mức 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Tây Nguyên, nơi bắt đầu vào mùa thu hoạch chính, sầu riêng Thái loại đẹp được bán với giá 72.000 – 74.000 đồng/kg, còn hàng mua xô chỉ ở mức 32.000 – 35.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 đẹp lựa tại đây giữ mức 52.000 – 54.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn hai vùng còn lại.

Xuất khẩu sầu riêng: Việt Nam cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc

Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt tại thị trường lớn nhất châu Á – Trung Quốc. Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, năm ngoái Thái Lan chiếm 57% thị phần sầu riêng trị giá gần 7 tỷ USD, trong khi Việt Nam giữ vị trí thứ hai với 38% – một con số ấn tượng chỉ sau hơn một năm chính thức xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Malaysia – quốc gia mới tham gia xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ tháng 8 năm ngoái – hiện mới đạt doanh số 5,6 triệu USD. Cùng với Philippines, hai nước này chỉ chiếm tổng cộng hơn 38 triệu USD, cho thấy dư địa mở rộng thị phần vẫn đang thuộc về Việt Nam và Thái Lan.

Ông Jiang Jianli – giám đốc logistics của Goodfarmer Fresh Fruit Trading – cho biết thị trường trái cây nhập khẩu cao cấp tại Trung Quốc đang tăng trưởng đều, đặc biệt là các mặt hàng giàu dinh dưỡng và có nguồn gốc rõ ràng. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng chất lượng, mở rộng vùng trồng đạt chuẩn và củng cố chuỗi cung ứng lạnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Thị trường nội địa ổn định, xuất khẩu là động lực chính

Trong khi giá sầu riêng trong nước hiện không có nhiều biến động, thì kỳ vọng từ xuất khẩu vẫn là yếu tố chính thúc đẩy giá nông sản này giữ ở mức cao, nhất là với các loại đạt chuẩn đóng thùng xuất khẩu.

Cùng với việc tham gia các hội chợ như CIIE – nơi Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường và gia tăng nhập khẩu nông sản, sầu riêng Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ những bước tiến về chính sách, logistic và tiêu chuẩn hóa vùng trồng. Năm ngoái, riêng tại CIIE, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận mua hàng lên tới 80 tỷ USD, trong đó nhóm thực phẩm và nông nghiệp là điểm sáng.

Tính đến giữa tháng 4/2025, hơn 800 doanh nghiệp quốc tế từ 70 quốc gia đã đăng ký tham gia CIIE năm nay – cho thấy sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, với chất lượng trái ngày càng cải thiện, cộng với ưu thế về địa lý và thời vụ, sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để vươn xa hơn nữa trong khu vực.

Ánh Kim