Không phải vàng hay bạc, đây mới là kim loại quý đang được Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu, nguồn cung dự kiến sắp thiếu hụt
Lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 4.
Trong tháng 4, các nhà đầu tư và thợ kim hoàn Trung Quốc đã nhập khẩu lượng bạch kim nhiều nhất trong năm vì tính ổn định của kim loại quý này làm tăng sức hấp dẫn trong khi giá vàng đang tăng "phi mã".
Theo dữ liệu của hải quan, lượng bạch kim nhập khẩu vào Trung Quốc — quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới đã đạt tổng cộng 11,5 tấn vào tháng 4. Nhu cầu toàn cầu đối với kim loại này (thường được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác và thiết bị phòng thí nghiệm) dự kiến sẽ vượt xa nguồn cung trong 5 năm tới.
Chợ Shuibei rộng lớn ở Thâm Quyến, một trung tâm lớn cho các nhà kim hoàn với hơn 10.000 nhà bán lẻ tại chỗ, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự thay đổi. Theo Yang Yang, Phó Tổng giám đốc tại một trong những nhà bán lẻ lớn nhất trên thị trường, số lượng nhà bán lẻ bạch kim tại thị trường rộng lớn này đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 1 tháng.

“Một số xưởng vàng hiện đang cố gắng khai thác nhu cầu tăng đột biến”, bà cho biết. “Nhưng quá trình chuyển đổi không dễ dàng, vì hai kim loại này đòi hỏi tay nghề thủ công rất khác nhau”. Bà cho biết thêm rằng các nhà chế tác bạch kim đang bị quá tải, với các nhà bán lẻ hiện đang phải đối mặt với thời gian chờ đợi chưa từng có, tăng gấp đôi so với trước đây.
Theo Deng Weibin, người đứng đầu Hội đồng đầu tư bạch kim thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sự sụt giảm doanh số bán đồ trang sức bằng vàng bắt đầu từ năm ngoái do giá cao đã khiến các thương gia phải xem xét lại chiến lược của mình.
“Các nhà kim hoàn vàng lâu năm đang chuyển hướng sang các sản phẩm bạch kim vì vàng đã trở nên quá đắt đỏ và biến động. Bạch kim đã xuất hiện để cân bằng rủi ro và biến động giá của vàng”.
Dữ liệu của WPIC cho thấy trong quý đầu tiên, nhu cầu về bạch kim thỏi và tiền xu ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường đầu tư bán lẻ bạch kim lớn nhất.
Nhu cầu ngày càng tăng đe dọa làm cạn kiệt thêm các kho dự trữ vốn đã đang thu hẹp. Mặc dù giá vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức của năm 2021 - khi Nga, quốc gia sản xuất hàng đầu xảy ra xung đột với Ukraine nhưng giá kim loại này đã tăng 10% trong năm nay, một mức tăng trưởng ấn tượng.
Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Metals Focus cho biết có khả năng lượng hàng tồn kho đã chạm đáy và một số người mua đầu cơ đã vào cuộc.
Yang Yang cho biết, với nhu cầu đang tăng cao, tình trạng thiếu hụt có thể sẽ kéo dài trong một thời gian. "Tôi dự kiến nguồn cung khan hiếm sẽ tiếp tục trong tháng 6 và tháng 7".
Nguồn cung bạch kim được dự báo sẽ đạt 7,32 triệu ounce trong năm 2025, tăng nhẹ so với mức 7,27 triệu ounce được sản xuất vào năm 2024 nhưng cũng đồng nghĩa với việc toàn thị trường thiếu hụt 539.000 ounce trong năm nay.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), bạch kim là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trong năm 2024 với 15,5% khối lượng giao dịch.
Đây là sự bứt phá ngoạn mục so với vị trí thứ 6 trong năm 2023, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với mặt hàng kim loại quý này. Bước sang quý I năm nay, bạch kim vẫn là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam và tăng lên 22% khối lượng giao dịch trên toàn Sở.