Giá vàng nhẫn hôm nay 20/5: Tại sao lao dốc trong khi vàng miếng "bình an"?
Trái với sự kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi, giá vàng nhân hôm nay bất ngờ đảo chiều, tuy không giảm quá mạnh nhưng vẫn gây được sự chú, nhất là trong bối cảnh giá vàng miếng lại tương đối "bình an".
Mở cửa phiên giao dịch sáng 20/5, giá vàng nhẫn trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh tại hầu hết các thương hiệu lớn, trong bối cảnh giá vàng thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh rõ rệt sau khi lập đỉnh hồi tháng 4. Diễn biến trái chiều xuất hiện khi giá vàng miếng vẫn được các doanh nghiệp lớn giữ ổn định.

Tại thị trường TP.HCM, vàng nhẫn SJC 99,99% loại 0.3 – 0.5 chỉ hiện đang được Công ty SJC niêm yết ở mức 111 triệu đồng/lượng mua vào và 114,1 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng mỗi chiều so với hôm qua. PNJ cũng hạ giá vàng nhẫn trơn 999.9 xuống mức 111 – 114 triệu đồng/lượng, ghi nhận mức giảm tương tự.
Thương hiệu Phú Quý sáng nay giao dịch nhẫn tròn 999.9 ở mức 111,5 – 114,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng mỗi chiều. Tại Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giảm 400.000 đồng/lượng, hiện niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở 113,8 – 116,8 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu như AJC, Kim Gia Bảo và Ngọc Thẩm cũng đồng loạt điều chỉnh giảm từ 300.000 – 500.000 đồng/lượng.
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay

Trong khi đó, giá vàng miếng sáng nay giữ ổn định tại mức cao. Các hệ thống lớn như SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu đều đang niêm yết quanh ngưỡng 116,8 – 119,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), không thay đổi so với cuối ngày 19/5. Điều này tạo nên diễn biến trái chiều rõ rệt giữa vàng miếng và vàng nhẫn – một hiện tượng ít thấy trong các phiên gần đây.
Ở chiều quốc tế, giá vàng thế giới sáng 20/5 giảm 0,48%, tương ứng mất 15,66 USD/ounce, về mức 3.213,90 USD/ounce. Sau khi bật tăng hơn 25 USD trong phiên giao dịch 19/5 lên 3.230,4 USD/ounce, thị trường vàng lại nhanh chóng đối mặt với lực bán điều chỉnh trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định.
Việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Mỹ từ mức “Aaa” xuống “Aa1” được coi là yếu tố gây chấn động, cho thấy hệ thống tài khóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với thâm hụt mang tính chất hệ thống. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ không còn duy trì được xếp hạng tín nhiệm tuyệt đối từ bất kỳ tổ chức đánh giá lớn nào, sau Fitch và S&P Global.
Cùng lúc, thị trường tài chính toàn cầu cũng đang theo dõi sát sao các tuyên bố từ giới chức Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo nước này sẽ quay lại mức thuế thương mại cao nếu các đối tác không hành xử “thiện chí”. Những phát biểu này đang tạo tâm lý bất ổn và đẩy nhà đầu tư vào trạng thái phòng thủ.
Kavita Chacko – chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) – nhận định rằng: “Giá vàng đang trong giai đoạn tìm điểm cân bằng mới. Khi nhà đầu tư tin rằng rủi ro giảm giá không còn quá lớn, dòng tiền sẽ quay lại vàng như một nơi trú ẩn an toàn”.
Hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi (đã bao gồm thuế, phí) đang ở mức khoảng 99,89 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng trong nước khoảng 17 – 19 triệu đồng/lượng, và thấp hơn vàng nhẫn từ 13 – 15 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này tiếp tục duy trì ở mức cao, cho thấy thị trường nội địa vẫn vận hành độc lập và phản ứng trễ hơn với biến động toàn cầu.
Giá vàng nhẫn sáng 20/5 điều chỉnh giảm mạnh sau chuỗi phiên tăng nóng, trong khi vàng miếng được giữ giá, phản ánh rõ sự phân hóa giữa hai dòng sản phẩm. Với bối cảnh quốc tế vẫn nhiều bất ổn, đặc biệt liên quan đến tín dụng và thương mại Mỹ, vàng đang đứng giữa vùng giằng co mạnh. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể chứng kiến thêm các phiên dao động trong biên độ hẹp, nhưng về dài hạn, xu hướng nắm giữ vàng vẫn chưa bị đảo ngược.