VietABank trước ngày lên HOSE: Ai đang nắm giữ ngân hàng này?
VietABank vừa nộp hồ sơ niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu, đứng trước cơ hội trở thành ngân hàng thứ 19 giao dịch trên sàn HOSE.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – HOSE: VAB) vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), tương ứng vốn điều lệ gần 5.400 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, VietABank sẽ trở thành ngân hàng thứ 19 niêm yết cổ phiếu trên HOSE, mở ra kỳ vọng cải thiện thanh khoản và mở rộng tiếp cận với các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước.
.jpg)
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE là bước đi chiến lược nhằm nâng cao thương hiệu, tăng tính minh bạch trong giao dịch, đồng thời thu hút nguồn vốn mới cho kế hoạch phát triển dài hạn. Kể từ khi cổ phiếu VAB giao dịch trên UPCoM vào tháng 7/2021, VietABank đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh, trong đó nổi bật là mức tăng trưởng lợi nhuận vượt mốc nghìn tỷ.
Theo danh sách cập nhật cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tính đến ngày 16/11/2024, VietABank hiện có hai cổ đông tổ chức lớn. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 12,21% cổ phần, trong khi Công ty CP Đầu tư Phát triển Hòa Bình sở hữu 5,52%.
Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức đáng chú ý khác bao gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM với tỷ lệ sở hữu 4,97%, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC nắm giữ 2,77%, và Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi sở hữu 1,2% cổ phần ngân hàng.
Về phía cổ đông cá nhân, ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương – đang nắm giữ 4,55% cổ phần VietABank. Trong đội ngũ lãnh đạo ngân hàng, ông Trần Tiến Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc – hiện sở hữu 1,02% cổ phần. Một cổ đông cá nhân khác là bà Đỗ Thị Ngọc Hà, người có liên hệ gia đình với Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Phương, đang nắm 0,13% cổ phần.

Tập đoàn Việt Phương – với vai trò cổ đông lớn và hệ sinh thái liên quan – hiện có ảnh hưởng đáng kể tới định hướng phát triển của VietABank. Việc nhóm cổ đông này đồng thời xuất hiện trong ban điều hành ngân hàng cho thấy sự gắn kết giữa cổ đông chiến lược và hoạt động quản trị nội bộ.
Về kết quả kinh doanh, VietABank từng nằm trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn, với mức lãi trước thuế chỉ quanh 100–300 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2015–2020.
Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu VAB lên UPCoM vào năm 2021, kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc rõ rệt. Tính riêng năm 2021, lợi nhuận trước thuế lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng, giúp ngân hàng bứt phá khỏi nhóm cuối bảng trong ngành ngân hàng.
Trong quý I/2025, VietABank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 440 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm mạnh tới 48%, chỉ còn 87 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý I đạt gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.306 tỷ đồng, ngân hàng đã thực hiện được 27% mục tiêu chỉ sau ba tháng đầu năm.
Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng diễn biến cổ phiếu VAB lại chưa tạo được dấu ấn mạnh trên thị trường. Tính đến đầu phiên giao dịch ngày 20/5/2025, cổ phiếu VAB đang giao dịch quanh mức 12.200 đồng/cổ phiếu – thấp hơn so với giá tham chiếu ngày chào sàn UPCoM là 13.500 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7/2021. Khối lượng giao dịch trung bình từ đầu năm cũng chỉ đạt hơn 900.000 cổ phiếu mỗi phiên, tương đối thấp so với mặt bằng thanh khoản của nhóm ngân hàng niêm yết trên HOSE.
Việc chuyển sàn niêm yết – nếu diễn ra thành công – được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực giúp cổ phiếu VAB cải thiện thanh khoản và thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã “an vị” trên HOSE, câu hỏi đặt ra là VietABank sẽ làm gì để tạo sự khác biệt, khi bước vào sân chơi vốn đã rất cạnh tranh của các cổ phiếu ngân hàng?