Nhịp đập thị trường

Vốn ngoại trở lại mạnh nhất 2 năm: Đâu là những cái tên đáng chú ý?

Đức Anh 20/05/2025 09:19

Cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ như MBB, MWG, FPT, PNJ tiếp tục là tâm điểm mua ròng trong bối cảnh thị trường đón nhận dòng vốn ngoại lớn nhất hai năm qua.

Trong tuần giao dịch từ ngày 12 đến 16/5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận hiện tượng rút ròng mạnh mẽ từ các quỹ ETF với tổng giá trị lên tới hơn 210 tỷ đồng, theo dữ liệu từ FiinTrade. Đáng chú ý, có tới 11/19 quỹ ETF ghi nhận dòng tiền rút ra, tập trung chủ yếu tại các quỹ nội như VFM VNDiamond ETF (-73,6 tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (-19,5 tỷ đồng) – đều do Dragon Capital quản lý.

Trong khi đó, ở nhóm quỹ ngoại, Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút 4,9 tỷ đồng và Premia MSCI Vietnam ETF cũng mất hơn 1 tỷ đồng. Ngược lại, một điểm sáng hiếm hoi đến từ MAFM VN30 ETF khi hút ròng nhẹ gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là trong cùng thời điểm, thị trường lại chứng kiến dòng tiền ngoại bất ngờ quay trở lại mạnh mẽ qua giao dịch khớp lệnh.

ck1.jpg
Tuần 12–16/5, khối ngoại mua ròng hơn 2.920 tỷ đồng trên HOSE, bất chấp các quỹ ETF nội và ngoại đồng loạt bị rút ròng

Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt hơn 2.920 tỷ đồng – mức cao nhất trong hai năm qua, trong đó riêng giao dịch khớp lệnh chiếm tới 3.195 tỷ đồng. Khối ngoại tập trung giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ với những cái tên nổi bật như MBB, MWG, FPT, PNJ, VPB, CTG, SHB và BID. Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản lại bị bán ròng mạnh, dẫn đầu là VHM, VCB, VRE và GEX.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy dòng vốn nước ngoài không chỉ dừng lại ở P-notes (chứng chỉ lưu ký), mà là dòng tiền mới thực sự. Động thái mua ròng được thúc đẩy bởi việc chỉ số CDS (Credit Default Swap) kỳ hạn 5 năm của Việt Nam – thước đo rủi ro quốc gia – đã hạ nhiệt từ mức đỉnh 150 điểm hồi tháng 4. Đây là hệ quả từ những tín hiệu khả quan trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đồng thời phản ánh kỳ vọng rủi ro dài hạn đang suy giảm.

Một tín hiệu tích cực khác là dòng vốn từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký (DRs) đang chảy mạnh vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, nhà đầu tư Thái đã mua ròng 600.000 DR của VFM VNDiamond ETF (tương đương 19 tỷ đồng) và 500.000 DR của VFM VN30 ETF (tương đương 11,9 tỷ đồng). Dù các quỹ ETF bị rút ròng hơn 208 tỷ đồng trong tháng 5, nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 21.800 tỷ đồng của năm 2024. Tổng tài sản ròng của các quỹ ETF phân bổ vào thị trường Việt Nam tại ngày 16/5/2025 hiện đạt khoảng 52.400 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cuối năm ngoái.

Giới phân tích đánh giá, trong bối cảnh định giá thị trường Mỹ ở mức cao và lo ngại về chính sách thuế quan gia tăng, dòng vốn toàn cầu có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó Việt Nam nổi bật nhờ mức định giá hấp dẫn và triển vọng ổn định.

Sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại trong tuần qua dù đi ngược với xu hướng rút ròng ở các quỹ ETF đang mở ra kỳ vọng mới cho nhà đầu tư, đặc biệt khi các yếu tố rủi ro đang dần được kiểm soát và triển vọng đàm phán thương mại trở nên tích cực hơn. Đây có thể là tiền đề quan trọng cho một chu kỳ phân bổ vốn mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn còn lại của năm 2025.

Đức Anh