Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập ba tỉnh, Bình Dương mang tới TP.HCM mới "lợi thế vàng" mà nhiều địa phương khao khát

Nguyễn Trang 19/05/2025 15:23

Việc sáp nhập ba địa phương nhằm xây dựng một trung tâm kinh tế – đô thị hiện đại mới, trong đó Bình Dương đóng một vai trò rất quan trọng.

Hợp nhất ba địa phương và viễn cảnh một đô thị quy mô lớn

Chủ trương sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tạo ra một bước ngoặt lớn trong định hình cấu trúc hành chính – kinh tế tại vùng Đông Nam Bộ. Theo đề án, đơn vị hành chính mới sau sáp nhập vẫn mang tên TP.HCM, trở thành siêu đô thị có diện tích 6.772,65 km², dân số hơn 13,7 triệu người và 168 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.

TP HCM
Việc sáp nhập cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM sẽ càng đẩy mạnh kinh tế vùng Đông Nam Bộ hơn nữa

Trung tâm chính trị – hành chính của TP.HCM mới sẽ đặt tại TP.HCM hiện hữu, nhưng đồng thời vẫn duy trì hai trung tâm hành chính phụ tại địa điểm của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc bố trí này nhằm đảm bảo tính liên kết vùng, thuận tiện trong quản lý và giữ vững vai trò trung tâm của từng khu vực.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của kế hoạch sáp nhập là tạo ra một trung tâm kinh tế – đô thị có sức cạnh tranh vượt trội, tối ưu hóa nguồn lực và cơ sở hạ tầng của ba địa phương liền kề. Với hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và không gian địa lý mở rộng, việc phát triển đô thị vệ tinh, quy hoạch không gian kinh tế – xã hội, và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật được kỳ vọng sẽ diễn ra hiệu quả hơn.

Bình Dương: Nền tảng công nghiệp vững chắc của TP.HCM mới

Trong cấu trúc liên kết mới, tỉnh Bình Dương đóng vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp, logistics và thu hút đầu tư. Năm 2024, dù chịu ảnh hưởng từ biến động toàn cầu, Bình Dương vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,01%, xếp thứ 2/6 trong vùng Đông Nam Bộ. GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng, tăng 13,8 triệu đồng so với năm 2023.

Bình Dương
Nằm cạnh TP.HCM, Bình Dương đang được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn FDI

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 351.640 tỷ đồng, tăng 13,3%. Hoạt động xuất khẩu duy trì đà tăng, với kim ngạch đạt 34,5 tỷ USD, nhập khẩu 24,5 tỷ USD và thặng dư thương mại tiếp tục duy trì ở mức trên 10 tỷ USD. Tổng thu ngân sách đạt 71.228 tỷ đồng, vượt 10% chỉ tiêu Chính phủ giao.

Bước sang quý I/2025, Bình Dương ghi nhận đà tăng trưởng tích cực khi GRDP ước tăng 7,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,51%, phản ánh sự phục hồi rõ rệt của các ngành sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 8,6 tỷ USD, tăng 8,8%; trong khi nhập khẩu đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Đáng chú ý, tỉnh thu hút được 630 triệu USD vốn FDI, tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tốt từ dòng vốn ngoại khi khu công nghiệp được mở rộng và thủ tục đầu tư được cải thiện.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I đạt 34.578 tỷ đồng, tăng 7,1%. Dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp (2,6% kế hoạch HĐND tỉnh, 4,5% kế hoạch Thủ tướng), nhưng các công trình điện và hạ tầng kỹ thuật đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần ổn định sản xuất và sinh hoạt.

Lộ trình tinh giản và kỳ vọng từ siêu đô thị mới

Sau sáp nhập, TP.HCM mới sẽ thực hiện kế hoạch tinh giản đội ngũ hành chính. Dự kiến có 9.732 người hoạt động không chuyên trách được cắt giảm ngay trong năm 2025. Với hơn 12.600 cán bộ, công chức cấp xã và huyện dôi dư, chính quyền thành phố mới sẽ triển khai lộ trình giải quyết kéo dài đến năm 2029, mỗi năm giảm khoảng 2.500 người.

Việc sáp nhập không chỉ đặt ra yêu cầu về tái cấu trúc bộ máy mà còn kỳ vọng phát huy hiệu quả trong quản lý hành chính, phát triển đồng bộ hạ tầng, giảm áp lực giãn dân, thúc đẩy đô thị hóa và xây dựng các trung tâm dịch vụ mới. Kết nối giữa cảng biển, đường bộ và đường thủy được đánh giá sẽ nâng cao năng lực logistics và liên kết vùng toàn diện.

Với quỹ đất rộng lớn và dân số gần 14 triệu người, TP.HCM mới được kỳ vọng trở thành đầu tàu phát triển kinh tế không chỉ của Đông Nam Bộ mà còn đóng vai trò chiến lược trên bản đồ đô thị quốc gia.

Nguyễn Trang