Mô hình mới

Từ khoản vay 100 triệu, nông dân Nghệ An tự tạo nên thương hiệu "đặc biệt", làng quê Bác thành điểm sáng khởi nghiệp

Ngọc Linh 19/05/2025 11:40

Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn đúng mục tiêu, hàng trăm hộ nông dân Nam Đàn đã đầu tư vào nhiều mô hình mới, thu lại lợi nhuận đều tay.

Nguồn lực từ tín dụng chính sách: Chìa khóa mở cánh cửa kinh tế nông thôn

Trong hành trình về nguồn giữa tháng 5 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh), du khách không chỉ cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi xây dựng nông thôn mới mà còn ngỡ ngàng trước sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP như chanh Thiên Nhẫn, rượu hồng, trà sen, sắn dây, tương, giò bê… Những thành quả đó không chỉ đến từ nỗ lực của người dân mà còn nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn chính sách.

Cơ sở sản xuất giò bê của anh Lê Hải Quân ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương
Cơ sở sản xuất giò bê của anh Lê Hải Quân ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương (Ảnh: Báo Nghệ An)

Tại xã Kim Liên, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Nam Đàn đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ gia đình đầu tư sản xuất, từng bước cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng sống. Cơ sở sản xuất giò bê “Quân Béo” của gia đình anh Lê Hải Quân ở xóm Sen 1 là một trong những ví dụ tiêu biểu. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, anh Quân đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập ổn định.

“Khoản vay từ Ngân hàng CSXH giúp gia đình tôi có điều kiện vượt qua khó khăn, đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng thời tạo sinh kế cho người lao động trong vùng,” anh Quân chia sẻ.

Mỗi hộ dân là một điển hình làm kinh tế hiệu quả

Không riêng gì anh Quân, nhiều nông dân khác tại xã Kim Liên cũng đang tận dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng để phát triển mô hình kinh tế. Gia đình anh Trần Văn Trà ở xóm Vân Hội đang duy trì trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hơn 800 con, cũng từ khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Bên cạnh áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, anh còn đầu tư hệ thống nước sạch cho vật nuôi và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, góp phần bảo vệ môi trường khu dân cư.

Người dân vay vốn tín dụng chính sách phát triển chăn nuôi hiệu quả
Người dân vay vốn tín dụng chính sách phát triển chăn nuôi hiệu quả (Ảnh: Báo Nghệ An)

Những nỗ lực âm thầm, bền bỉ của các hộ dân như anh Trà, anh Quân đang từng ngày tạo nên diện mạo mới cho xã Kim Liên. Theo thống kê, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại xã đã đạt 42 tỷ đồng với 9 chương trình đang được triển khai. Giai đoạn 2020–2025, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm mạnh từ 4,1% xuống còn 0,55%, nhờ vào việc gần 1.000 lượt hộ dân được tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh.

Từ một vùng quê nghèo, Kim Liên đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Xã được công nhận là xã văn hóa từ năm 2006, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Hiện xã đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để giữ vững và nâng cao danh hiệu này.

Đồng hành cùng nông dân trên hành trình phát triển bền vững

Không chỉ riêng xã Kim Liên, trên toàn huyện Nam Đàn, hàng nghìn nông dân đang từng bước khởi nghiệp, mở rộng sản xuất nhờ sự đồng hành của Ngân hàng CSXH. Theo ông Nguyễn Sỹ Hải – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn, việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn chính sách được ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thúc đẩy việc làm, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Không chỉ là công cụ tài chính, vốn tín dụng còn đóng vai trò như một hình thức hỗ trợ toàn diện, giúp người dân xây dựng mô hình kinh tế hộ, khôi phục làng nghề và phát triển các sản phẩm dịch vụ OCOP mang giá trị địa phương.

Những người dân Nam Đàn (quê Bác) hôm nay đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ bằng chính nội lực và tinh thần vượt khó. Với sự hỗ trợ đúng hướng, kịp thời từ các chương trình tín dụng chính sách, nông dân nơi đây không chỉ cải thiện kinh tế hộ mà còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ngọc Linh