Hàng hóa - Giá cả

Thị trường kim loại quý hôm nay 19/5/2025: Giá vàng chờ tín hiệu mới; bạc ổn định

Nguyễn Trang 19/05/2025 09:48

Giá vàng ngày 19/5 ghi nhận trạng thái ổn định, bạc cũng tương tự. Trong khi giá đồng tiếp tục giảm do lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh.

Giá vàng không đổi phiên đầu tuần, nhưng giảm mạnh so với tuần trước

Lúc 4h30 sáng, các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với hôm qua. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, mức giá này đã giảm tới 4,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

giá vàng hôm nay ngày 19 tháng 5 năm 2025
Giá vàng thứ Hai đầu tuần chưa có nhiều biến động

Tại Phú Quý, giá vàng giao dịch ở mức 115 – 118,5 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với hôm qua, nhưng giảm tương ứng 4 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Riêng Mi Hồng – doanh nghiệp thường điều chỉnh giá độc lập – giữ nguyên giá so với hôm qua, nhưng giảm 3,8 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với tuần trước, hiện mua vào ở mức 116,7 triệu đồng/lượng và bán ra 118,2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay duy trì ở mức 3.198,67 USD/ounce, không đổi so với hôm qua. Khi quy đổi theo tỷ giá 26.319 VND/USD, vàng thế giới tương đương khoảng 101,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Áp lực chốt lời sau đợt tăng mạnh hồi tháng 4 cùng với đà phục hồi của đồng USD – hiện duy trì trên ngưỡng 100,9 điểm – là nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm sâu trong tuần trước. Theo khảo sát từ Kitco, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều cho rằng giá vàng sẽ chưa thể bật tăng trở lại trong ngắn hạn.

Giá bạc ổn định nhưng xu hướng vẫn yếu

Trên thị trường nội địa, bạc Phú Quý niêm yết ở mức 1.241.000 – 1.279.000 đồng/lượng. Các đơn vị khác tại Hà Nội và TP.HCM duy trì mức giá từ 1.026.000 – 1.062.000 đồng/lượng. Giá bạc thế giới giữ nguyên ở mức 32,27 USD/ounce (khoảng 837.000 – 843.000 đồng/ounce).

Dù bạc đã cố giữ được ngưỡng hỗ trợ 32 USD/ounce trong tuần, nhưng tính chung cả tuần, giá vẫn giảm 1,5%. Đà tăng bị cản lại bởi sức mạnh của đồng USD và tâm lý tích cực từ đối thoại Mỹ – Trung khiến nhà đầu tư ít tìm đến kênh trú ẩn như bạc.

Giá đồng giảm sau chuỗi biến động, nguồn cung từ Trung Quốc tăng

Trên sàn Comex, hợp đồng tương lai đồng giảm 1,8%, về mức 4,639 USD/pound – tương đương 10.220 USD/tấn. Mức giá này đánh dấu sự điều chỉnh so với đỉnh cuối tháng 3, khi đồng từng vượt mốc 11.000 USD/tấn.

Theo RBC Dominion Securities, Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – đã nhập khẩu gần 3 triệu tấn đồng cô đặc trong tháng 4, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất 5 năm. Điều đáng nói là việc nhập khẩu vẫn tiếp diễn ngay cả khi mức phí tinh luyện (TC/RC) chuyển sang âm, buộc các công ty khai thác phải trả thêm cho các nhà máy luyện kim.

Một phần nguyên nhân đến từ nguồn cung bổ sung từ mỏ Grasberg của Freeport (Mỹ), sau khi được Indonesia cấp phép xuất khẩu. Đồng thời, sự cố tại nhà máy của Glencore ở Philippines cũng khiến dòng hàng chuyển hướng sang Trung Quốc, làm tăng lượng dự trữ trong nước.

Giá thép trong nước phân hóa, thị trường quốc tế đi ngang

Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh kỳ hạn tháng 6 ổn định ở mức 3.072 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên nhích nhẹ lên 800 nhân dân tệ/tấn, còn trên sàn Singapore giảm 0,4 USD xuống 100,2 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp có động thái điều chỉnh giá thép xây dựng từ ngày 16/5. Hòa Phát giữ nguyên giá CB240 ở mức 13.790 đồng/kg, nhưng giảm CB300 còn 13.740 đồng/kg. Việt Đức tăng nhẹ giá CB240 lên 13.600 đồng/kg, trong khi giảm thép D10 CB300 xuống 13.350 đồng/kg.

Thép Việt Sing điều chỉnh tăng 90 đồng/kg với CB240 lên 13.690 đồng/kg nhưng giảm CB300 về 13.580 đồng/kg. Việt Ý lại đi ngược xu hướng khi tăng mạnh 550 đồng/kg với D10 CB300, lên mức 13.640 đồng/kg.

Nguyễn Trang