Mô hình mới

Hướng tới đổi mới, nông dân Bắc Ninh áp dụng mô hình "gì cũng nuôi", doanh thu bình thường mỗi năm cả tỷ đồng

Nguyễn Trang 19/05/2025 6:00

Nông dân Bắc Ninh đang ứng dụng mô hình mới giúp giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững

Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu, nông dân Bắc Ninh đang từng bước chuyển mình từ mô hình sản xuất truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn – hướng đi mới giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường và gia tăng hiệu quả kinh tế. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của ngành Nông nghiệp và Môi trường địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tham quan các mô hình trồng cây ăn quả tại thị xã Thuận Thành
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tham quan các mô hình trồng cây ăn quả tại thị xã Thuận Thành (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Ninh, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là một hệ thống khép kín, trong đó chất thải, phụ phẩm từ một hoạt động sản xuất được tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động khác. Việc này không chỉ làm giảm lượng rác thải và ô nhiễm, mà còn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận nhờ tối ưu hóa nguồn lực sẵn có.

Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả đã hình thành tại Bắc Ninh. Từ hộ cá thể, trang trại gia đình cho tới doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đều bước đầu cho thấy khả năng ứng dụng thành công các chu trình sản xuất khép kín, thân thiện với môi trường.

Những mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả rõ rệt

Tiêu biểu tại phường Quế Tân (thị xã Quế Võ), trang trại tổng hợp của anh Trần Xuân Phòng đang vận hành một mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên diện tích hơn 12 ha. Trang trại kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả theo chu trình khép kín: chất thải từ lợn được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi bèo làm thức ăn cho cá; còn cá lại được sử dụng làm thực phẩm cho gia cầm. Nhờ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 300 tấn nông sản, tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn và phân bón, qua đó đạt lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình truyền thống.

Mô hình kinh tế tuần hoàn doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Nguyễn Xuân Nam, xã Bình Dương
Mô hình kinh tế tuần hoàn doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Nguyễn Xuân Nam, xã Bình Dương (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Tại xã Lạc Vệ (Tiên Du), ông Trịnh Bá Biện áp dụng thành công mô hình nuôi bò – trồng cỏ – nuôi giun quế – nuôi cá. Ông tận dụng chất thải từ đàn bò để nuôi giun, sử dụng giun làm thức ăn cho cá và gia cầm, còn phân giun tiếp tục dùng để bón cỏ, tạo thành một chuỗi liên kết khép kín. Nhờ hệ thống này, ông tiết kiệm tới 80% chi phí đầu vào, thu lãi ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ có các hộ gia đình, mô hình kinh tế tuần hoàn còn được doanh nghiệp áp dụng thành công. Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm tại huyện Lương Tài chuyên trồng nấm và cây tía tô xuất khẩu. Sau mỗi vụ nấm, phế phẩm được xử lý thành phân hữu cơ dùng cho cây tía tô. Phần phụ phẩm từ tía tô tiếp tục được ủ sinh học thành phân bón, hoàn thiện chu trình sản xuất không chất thải. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh và sản xuất tuần hoàn, công ty đã giảm thiểu đáng kể chi phí, đồng thời tăng độ bền vững cho hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Thách thức và triển vọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Mặc dù có nhiều lợi ích rõ rệt, nhưng hiện nay các mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Bắc Ninh vẫn chưa phát triển rộng rãi. Tỷ trọng kinh tế tuần hoàn trong tổng thể sản xuất nông nghiệp còn thấp, phần lớn các mô hình mới dừng lại ở quy mô hộ gia đình hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những rào cản lớn là thiếu kiến thức kỹ thuật, vốn đầu tư ban đầu và hạ tầng xử lý chất thải.

Để khắc phục, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thông qua Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND, trong đó tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ giá giống, phân bón hữu cơ; đổi mới thiết bị công nghệ; xây dựng nhà kính, nhà màng; đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Các chính sách này nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân mạnh dạn áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tạo động lực cho sản xuất bền vững.

Ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh, cho biết: “Thời gian tới, trung tâm sẽ tích cực chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh truyền thông và hướng dẫn cho nông dân về lợi ích cũng như phương thức triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ đề xuất chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải nông nghiệp”.

Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân, Bắc Ninh đang dần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp thân thiện môi trường. Việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn bảo vệ tài nguyên, giảm ô nhiễm và tạo ra hướng đi bền vững cho nông dân trong thời đại mới.

Nguyễn Trang