Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập Hưng Yên – Thái Bình: Tỉnh mới nhỏ nhất cả nước nhưng chiến lược không nhỏ

Ngọc Linh 18/05/2025 18:30

Hưng Yên và Thái Bình sẽ sáp nhập thành một tỉnh mới, tận dụng tối đa tiềm năng, hình thành trung tâm kinh tế tổng hợp mới ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tỉnh mới sau sáp nhập: Diện tích nhỏ, dân số lớn, động lực mới

Theo phương án đang được xây dựng, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên Hưng Yên, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP Hưng Yên hiện nay. Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ có diện tích khoảng 2.514,8 km², là tỉnh nhỏ nhất cả nước về mặt địa lý nhưng lại có dân số khoảng 3,5 triệu người, thuộc nhóm đông dân hàng đầu.

Hưng Yên
Hưng Yên là một tỉnh nhỏ giáp phía nam Hà Nội với sự phát triển kinh tế nhanh chóng

Phương án sáp nhập này dựa trên nguyên tắc kết hợp các lợi thế của hai địa phương: Hưng Yên với vai trò là trung tâm công nghiệp năng động, sát Hà Nội; Thái Bình với tiềm năng lớn về kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh mới kỳ vọng sẽ phát triển thành một trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng Đồng bằng sông Hồng, tận dụng tối đa vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông kết nối đa hướng và nguồn lực dân cư dồi dào.

Hưng Yên hiện nay đang chứng minh sức bật kinh tế mạnh mẽ. Quý I/2025, tỉnh đạt GRDP tăng 8,96%, vượt kế hoạch. Trong năm 2024, địa phương này đã thu hút gần 4 tỷ USD vốn đầu tư, với 180 dự án mới. Tính đến nay, Hưng Yên có tổng cộng hơn 2.370 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 8,5 tỷ USD. Địa phương này cũng sở hữu 12 khu công nghiệp, trong đó 10 khu đã đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Thái Bình nổi bật với lợi thế ven biển, bờ biển dài 52 km và có 5 cửa sông lớn, tạo ra vùng bãi triều hơn 16.000 ha. Tỉnh đã thành lập 11 KCN và Khu kinh tế Thái Bình rộng trên 30.000 ha – một trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia. Quý I/2025, GRDP của Thái Bình tăng 9,04%, cao hơn mức trung bình cả nước (6,93%).

Phát huy sức mạnh từ hai nền kinh tế bổ trợ

Nếu Hưng Yên là một trong những địa phương thu hút đầu tư FDI mạnh nhất phía Bắc, thì Thái Bình lại là trung tâm phát triển công nghiệp ven biển, nông nghiệp – thủy sản và năng lượng tái tạo. Hai mô hình kinh tế này có thể tương hỗ, tạo thành cấu trúc kinh tế đa dạng, tránh phụ thuộc vào một ngành mũi nhọn duy nhất.

Thái Bình
Thái Bình có lợi thế giáp biển, điều này trở thành điểm mạnh cho tỉnh mới sau sáp nhập

Về công nghiệp, Thái Bình đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng sản xuất công nghiệp 22%, xây dựng 15–17%. Khu công nghiệp Liên Hà Thái – khu tiên phong trong thu hút đầu tư – đã có hàng trăm dự án đăng ký với tổng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Với lợi thế bờ biển, cảng biển và năng lượng sạch, Thái Bình đóng vai trò cửa ngõ ra biển cho tỉnh mới, hỗ trợ các trung tâm logistics, chế biến xuất khẩu.

Hưng Yên lại có thế mạnh rõ rệt về vị trí tiếp giáp Hà Nội, gần các cảng hàng không và các tuyến cao tốc lớn. Tỉnh đang phát triển các tuyến đường chiến lược như tuyến Tân Phúc – Võng Phan, đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình, hay tuyến đường di sản dọc sông Hồng, góp phần tăng tính kết nối vùng và thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, dịch vụ.

Nhìn lại lịch sử và bản sắc văn hóa chung

Không chỉ có sự gần gũi về địa lý, Hưng Yên và Thái Bình từng chung một vùng hành chính trong lịch sử phong kiến. Vào thời Tiền Lê, đất của cả hai tỉnh thuộc Châu Đằng. Thời nhà Nguyễn, Thái Bình từng sáp nhập các huyện của Hưng Yên. Quá trình chia tách – nhập lại nhiều lần giữa các phủ, huyện, xã của hai tỉnh cho thấy sự tương đồng và liên kết tự nhiên về lịch sử, văn hóa và dân cư.

Phố Hiến – trung tâm của tỉnh Hưng Yên từng là một thương cảng sầm uất bậc nhất ở thế kỷ XVII với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ngày nay, nơi đây vẫn còn bảo tồn hơn 100 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 18 di tích cấp quốc gia.

Thái Bình, mảnh đất phù sa được bồi đắp bởi sông Hồng, sông Luộc và sông Hóa, là cái nôi văn hóa vùng châu thổ. Với hệ thống đình, chùa, lễ hội phong phú và đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước, Thái Bình cùng Hưng Yên chia sẻ nhiều nét tương đồng về đời sống, sinh hoạt, phong tục của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

Do vậy, sáp nhập không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế, mà còn là dịp kết nối, phục hồi dòng chảy văn hóa – lịch sử đã từng hiện diện hàng thế kỷ trước, hướng đến một thực thể hành chính – kinh tế – văn hóa mới có nền tảng vững chắc và tiềm năng vượt trội.

Ngọc Linh