Mô hình mới

Thay đổi để làm giàu, nông dân Tây Bắc quyết tâm trồng thứ "thảo dược quý", giờ thu nhập tăng không tưởng

Ngọc Linh 18/05/2025 12:26

Từ lợi thế sinh thái đặc biệt, nông dân Mường Tè đang chuyển hướng trồng mô hình mới, mở rộng diện tích mỗi năm với thu nhập ngày càng ổn định.

Mường Tè – vùng đất lý tưởng cho phát triển sâm dược liệu

Huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) nằm ở vùng núi cao với địa hình phức tạp, có tổng diện tích tự nhiên gần 267.500 ha, trong đó rừng chiếm trên 67%. Đây là điều kiện sinh thái lý tưởng để phát triển cây sâm Lai Châu – một loại dược liệu quý được đánh giá cao bởi các nhà khoa học về khả năng thích ứng và phát triển tự nhiên dưới tán rừng.

Người dân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) chăm sóc vườn giống sâm Lai Châu
Người dân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) chăm sóc vườn giống sâm Lai Châu (Ảnh: Báo Lai Châu)

Từ lợi thế này, cùng với định hướng rõ ràng từ tỉnh và trung ương, huyện Mường Tè đã tích cực triển khai Đề án phát triển sâm Lai Châu, đưa loại cây này trở thành một trong những hướng đi chiến lược để giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa. Chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng trồng tại các xã có điều kiện sinh thái phù hợp như: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ… và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, hạ tầng để các doanh nghiệp và người dân cùng phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Người dân đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển cây sâm

Điển hình tại xã Pa Vệ Sủ, phong trào trồng sâm đang phát triển mạnh với sự tham gia tích cực của các hộ dân tộc La Hủ. Tại bản Sín Chải B, hơn 40/50 hộ gia đình đang tham gia trồng sâm Lai Châu. Người dân được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp như chọn giống, làm đất, ươm cây, chăm sóc giai đoạn đầu. Năm nay, bản trồng thêm 7.000m², nâng tổng diện tích lên hơn 3 ha.

Anh Pờ Gạ Chủ, một trong những hộ đi đầu, cho biết trồng sâm ban đầu không dễ nhưng được hướng dẫn tận tình, có hỗ trợ giống và đầu ra nên bà con rất yên tâm. Trồng sâm giúp dân bản có thêm thu nhập, không phải phá rừng, lại giữ được môi trường.

Không chỉ có người dân, các doanh nghiệp cũng tham gia tích cực. Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè đã đầu tư hơn 5 ha sâm tại bản Nhóm Pố (xã Tá Bạ). Với trên 6.000 cây sâm bố mẹ 5 năm tuổi và 1.500 cây gốc, công ty đang từng bước mở rộng diện tích thêm 2–3 ha mỗi năm và đặt mục tiêu đạt 20 ha vào năm 2030. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng xây dựng kế hoạch chế biến sâu các sản phẩm từ sâm, hướng đến phát triển chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất đến thương mại, xuất khẩu.

Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cam kết tạo việc làm cho lao động địa phương, chuyển giao kỹ thuật canh tác và cung cấp giống cây chuẩn để nông dân tự chủ mở rộng vùng nguyên liệu, cùng hưởng lợi trong chuỗi giá trị.

Hướng đi chiến lược giúp nông dân vùng cao thoát nghèo bền vững

Tính đến nay, toàn huyện Mường Tè có hơn 50 ha sâm Lai Châu được trồng bởi 6 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 100 hộ nông dân. Chính quyền huyện đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, đồng thời tổ chức đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp – chính quyền – người dân để tháo gỡ vướng mắc và mở rộng diện tích canh tác.

Theo lãnh đạo địa phương, huyện Mường Tè xác định sâm Lai Châu là cây trồng chiến lược, cam kết hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính, chính sách đất đai, hạ tầng và kết nối thị trường để cả doanh nghiệp và người dân đều có điều kiện phát triển sản xuất.

Thực tế cho thấy, cây sâm Lai Châu không còn đơn thuần là cây thoát nghèo mà đang dần trở thành động lực làm giàu cho nông dân địa phương. Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, mô hình trồng sâm tại Mường Tè hứa hẹn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế rừng gắn với dược liệu bản địa, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn miền núi một cách hiệu quả và bền vững.

Ngọc Linh