Vàng - Tỷ giá

Giá vàng hôm nay 17/5/2025: Thị trường tung cú nhử, rồi tạt gáo nước lạnh

Thu Hà 17/05/2025 05:23

Giá vàng biến động dữ dội, sáng tăng vọt như lên sóng, chiều quay đầu giảm sâu khiến nhiều người mua ở đỉnh "ngã ngửa".

Giá vàng trong nước

Trong phiên sáng 16/5, thị trường vàng nội địa bất ngờ dậy sóng khi giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 118,5 – 120,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức tăng tới 3 triệu đồng mỗi lượng khiến nhiều người lầm tưởng xu hướng tăng giá đang trở lại.

Giá vàng chao đảo theo xu hướng của thị trường thế giới
Giá vàng chao đảo theo xu hướng của thị trường quốc tế

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, mọi thứ đảo chiều chóng mặt. Tới cuối phiên, giá vàng lao dốc về mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng, đánh rơi 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Diễn biến giảm mạnh này đồng loạt ghi nhận tại các thương hiệu uy tín như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Phú Quý...

Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng quay đầu giảm sau cú tăng bất ngờ buổi sáng. Tại DOJI, vàng nhẫn tròn trơn Hưng Thịnh Vượng 9999 được giao dịch ở mức 111,7 – 114,7 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết 114 – 117 triệu đồng/lượng, PNJ và SJC cùng chốt ở 111,7 – 114,7 triệu đồng/lượng.

Tính chung so với phiên cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã bốc hơi hơn 3 triệu đồng/lượng, và nếu so với mức đỉnh lịch sử vừa qua, đã giảm tổng cộng hơn 5 triệu đồng/lượng. Biến động nhanh và mạnh khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân "ngã ngửa".

Tại một tiệm vàng lớn ở Hà Nội, không khí phiên sáng còn khá nhộn nhịp thì đến chiều lại chùng xuống. Chị H.T.L – một khách hàng ở quận Đống Đa – bần thần kể lại: “Tôi dốc hết tiền tiết kiệm mua 3 lượng vàng hôm cuối tuần, giá lúc đó là 122 triệu đồng/lượng. Đặt cọc rồi mà chưa kịp nhận vàng thì hôm nay nó đã rớt hơn 3 triệu mỗi lượng, chưa kể mức chênh lệch giá mua và bán. Cả đêm qua mất ngủ vì tiếc, giờ thực sự rối bời”.

Đây không phải trường hợp duy nhất, cũng đã có nhiều người từng xuống tiền ở mức 120 triệu đồng/lượng những ngày trước đó cũng đang “ngồi trên lửa”. Sự chênh lệch giữa kỳ vọng tăng giá và thực tế giảm sâu chỉ trong vài ngày đã làm dấy lên làn sóng hoài nghi về đỉnh giá vàng và tâm lý phòng thủ đã bắt đầu quay trở lại thị trường.

Bảng giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại thời điểm chốt phiên ngày 16/5/2025:
Thương hiệu
Vàng miếng - Mua vào
Vàng miếng - Bán ra
Vàng nhẫn - Mua vào
Vàng nhẫn - Bán ra
SJC
115,70
118,70
111,70
114,70
DOJI
115,70
118,70
111,70
114,70
PNJ
115,70
118,70
111,70
114,70
BTMC
115,70
118,70
114,00
117,00
Bảo Tín Mạnh Hải
115,70
118,65
114,00
114,00
Phú Quý
115,00
118,70
111,50
114,50
Mi Hồng
115,00
117,50
111,00
113,00
NTJ
114,50
117,00
105,00
107,50

Giá vàng quốc tế

Phiên giao dịch ngày 16/5 theo giờ quốc tế ghi nhận một trong những ngày biến động mạnh nhất của giá vàng trong nhiều tháng trở lại đây. Từ mức tăng mạnh trong đêm trước, giá vàng giao ngay đã quay đầu giảm mạnh.

Cập nhật tại thời điểm lúc 3h41 rạng sáng ngày 17/5 (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay đang được giao dịch ở mức tại 3.196,64 USD/ounce, giảm 27,76 USD so với 24 giờ trước đó.

Biến động này diễn ra trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá, với chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp (+0,2%). Khi USD mạnh lên, vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên đắt đỏ hơn trong mắt nhà đầu tư toàn cầu, qua đó làm giảm lực cầu.

Ngoài yếu tố tiền tệ, tâm lý thị trường cũng đang tác động đáng kể đến giá vàng. Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế quan, lo ngại về chiến tranh thương mại lắng xuống, khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng suy yếu. Thêm vào đó, các dữ liệu kinh tế từ Mỹ tuần qua – như lạm phát tiêu dùng tăng thấp hơn dự kiến, giá sản xuất giảm và doanh số bán lẻ chững lại – đều góp phần làm dịu kỳ vọng lạm phát, từ đó kìm hãm giá vàng.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada từ City Index và Forex.com nhận định: “Giá vàng ngắn hạn có thể điều chỉnh về mốc 3.000 USD/ounce nếu tâm lý thị trường tiếp tục tích cực”. Theo ông, không có cú sốc tiêu cực nào kéo chứng khoán xuống, nên vàng cũng mất đi lý do để tăng nóng. Dù vậy, ông cho rằng đợt điều chỉnh này có thể là cơ hội để mua vào, vì xu hướng tăng dài hạn vẫn còn nguyên.

Dự báo giá vàng

Dù biến động ngắn hạn đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, các dự báo dài hạn vẫn tỏ ra rất lạc quan. Trong báo cáo thường niên “In Gold We Trust” mới công bố, nhóm chuyên gia tại Incrementum AG – đứng đầu là Ronald-Peter Stöferle và Mark Valek – khẳng định giá vàng vẫn đang trong giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng lớn.

Theo đó, giá vàng có thể đạt 4.800 USD/ounce vào năm 2030, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng. Không dừng lại ở đó, trong kịch bản lạc quan, vàng thậm chí có thể vọt lên 8.900 USD/ounce vào cuối thập kỷ này nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng giá vàng đã tăng 92% trong vòng 5 năm qua, nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1% trong danh mục đầu tư toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc tiềm năng thu hút dòng tiền đầu tư vào vàng vẫn còn rất lớn.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn tham gia rộng rãi – thời kỳ năng động nhất theo Lý thuyết Dow, với sự quan tâm ngày càng lớn từ truyền thông và công chúng. Đây có thể là tiền đề cho một cơn sốt vàng mới trong tương lai gần” – Stöferle và Valek nhận định.

Trong ngắn hạn, giới chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư theo sát các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, bởi đây sẽ là những nhân tố then chốt chi phối xu hướng giá vàng trong những tuần tới.

Thu Hà