Tài chính xanh

Hé lộ công nghệ đằng sau danh hiệu “Top 10% nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới” của Đạm Cà Mau (DCM)

Nguyễn Đăng 16/05/2025 11:18

Giảm tiêu hao, tăng hiệu suất, tối ưu chi phí – Đạm Cà Mau đang làm gì để nằm trong top 10% nhà máy tiết kiệm năng lượng nhất thế giới?

Trong bối cảnh các ngành công nghiệp nặng phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các quy định về phát thải khí nhà kính và yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả, ngành phân bón – đặc biệt là phân Urea – được xem là một lĩnh vực có mức phát thải đáng kể và tiêu tốn nhiều tài nguyên. Theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2024, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) là một trong số ít đơn vị duy trì được mức tiêu hao năng lượng thấp hơn đáng kể so với định mức ngành và đã được xác nhận nằm trong nhóm 10% nhà máy có hiệu suất năng lượng tốt nhất toàn cầu.

dcm.png
Kết quả tiêu thụ năng lượng năm 2024 của Đạm Cà Mau

Nhà máy Đạm Cà Mau – cơ sở sản xuất chính của Đạm Cà Mau – trong năm 2024 đã đạt tổng sản lượng cộng dồn hơn 11 triệu tấn Urea, với công suất vận hành thực tế thường xuyên duy trì ở mức 110–115% so với thiết kế. Trong cùng năm, nhà máy đã ghi nhận mức giảm 4,6% tiêu hao năng lượng, tương đương khoảng 200 tỷ đồng tiết kiệm chi phí vận hành so với 2023. Đây là mức cải thiện đáng kể trong điều kiện dây chuyền hoạt động liên tục và thị trường đầu vào (đặc biệt là khí thiên nhiên) còn nhiều biến động.

Báo cáo cho biết Đạm Cà Mau tiêu thụ khoảng 4,12 Gcal/tấn sản phẩm Urea, thuộc nhóm các nhà máy có hiệu suất năng lượng tốt nhất trong ngành. Mức tiêu hao này được đánh giá và xác nhận bởi tổ chức công nghệ Haldor Topsoe, đưa Đạm Cà Mau vào nhóm Top 10% nhà máy có mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất Urê từ khí tự nhiên.

Để đạt được hiệu quả này, công ty đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật và số hóa. Một trong số đó là hệ thống giám sát hiệu suất vận hành PI System (OSISoft), cho phép theo dõi các chỉ số tiêu hao, nhiệt độ, áp suất và lưu lượng khí trong thời gian thực, hỗ trợ điều chỉnh tối ưu các thông số kỹ thuật trong vận hành.

Song song, Đạm Cà Mau đã xây dựng nền tảng dữ liệu tích hợp (Data Platform) trên nền tảng Microsoft Azure, kết nối với hệ thống ERP, báo cáo Power BI và quản lý luồng hàng qua RFID. Việc thu thập và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn giúp tối ưu quy trình sản xuất, hạn chế tổn thất và nâng cao khả năng kiểm soát vận hành.

Đạm Cà Mau đang vận hành hệ thống các trạm quan trắc khí thải và nước thải tự động, trong đó dữ liệu được thu thập với tần suất 5 phút/lần và truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau. Theo báo cáo, trong năm 2024, tất cả các chỉ số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, không ghi nhận sự cố vượt chuẩn theo quy định pháp luật.

Về sử dụng tài nguyên nước, lượng nước sản xuất tiêu hao cho mỗi tấn phân bón trong năm 2024 đạt mức 1,065 m³/tấn sản phẩm, giảm 2,02% so với năm 2023. Đây là kết quả từ các giải pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước được triển khai tại nhà máy.

Năm 2024, công ty khởi động dự án sản xuất CO₂ thực phẩm từ khí phát sinh trong quá trình reforming, đồng thời nghiên cứu ứng dụng hệ thống Organic Rankine Cycle (ORC) nhằm tận dụng nhiệt thừa trong sản xuất để phát điện nội bộ.

Đáng chú ý, Đạm Cà Mau đã chọn năm 2024 làm năm cơ sở (baseline) để đo lường mục tiêu giảm 1% cường độ phát thải khí nhà kính (GHG) trên mỗi tấn sản phẩm Urea đến năm 2030. Công ty công bố kế hoạch phát triển sản phẩm mới ít phát thải, mở rộng phân khúc hữu cơ và sinh học, bao gồm các dòng như Urea Bio, N.Humate+TE, N46.Plus, vốn được thiết kế nhằm tăng khả năng hấp thu đạm của cây trồng và hạn chế phát thải nitơ oxit từ đất.

Báo cáo cũng cho biết Đạm Cà Mau đang hướng tới mục tiêu dài hạn là trung hòa phát thải ròng (Net Zero) vào năm 2050, phù hợp với lộ trình quốc gia được Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26. Để phục vụ mục tiêu này, công ty đã thành lập Ủy ban ESG, xây dựng Tuyên ngôn khẩu vị rủi ro ESG, tích hợp quản trị rủi ro môi trường – xã hội vào hệ thống COSO ERM, và áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế như GRI, SASB vào quá trình công bố thông tin.

Trong năm 2024, ngân sách dành cho an sinh xã hội của Đạm Cà Mau đạt 80 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí đóng các khoản bảo hiểm xã hội là 94,3 tỷ đồng. Số giờ đào tạo trung bình của nhân viên là 25 giờ/người/năm, thể hiện sự kết hợp giữa chiến lược sản xuất và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong định hướng phát triển bền vững.

Dù có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, báo cáo cũng cho thấy doanh nghiệp còn đối mặt với không ít thách thức, bao gồm: nhu cầu cân đối giữa tăng trưởng và kiểm soát phát thải, chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ sạch, và các yêu cầu mới từ thị trường xuất khẩu như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU. Các yếu tố này đòi hỏi doanh nghiệp cần nguồn lực tài chính vững chắc và khả năng thích ứng cao trong bối cảnh biến động.

Công ty CP Phân bón Dầu Khí Cà Mau (DCM) có tiền thân là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, được thành lập vào năm 2011. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2015. Sản phẩm của công ty bao gồm Đạm Ure hạt đục, phân phối chính tại khu vực Tây Nam Bộ, Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sản phẩm phân bón của Công ty còn được xuất khẩu sang các thị trường Châu Á, đặc biệt là thị trường Campuchia.

Công ty sở hữu trực tiếp 01 nhà máy sản xuất urea với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm và gián tiếp sở hữu Nhà máy Bao bì có công suất thiết kế 20 triệu bao/năm và 01 nhà máy sản xuất phân urea humate có công suất 30.000 tấn/năm thông qua Công ty con - Công ty Cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCM kết phiên 15/5 ở mức 33.800 đồng. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của DCM đạt khoảng 17.893 tỷ đồng.

Nguyễn Đăng