VN-Index lên 1.500 điểm: Đàm phán thương mại Việt - Mỹ là yếu tố tiên quyết?
VN-Index có thể đạt mốc 1.500 điểm trong năm 2025 nếu đàm phán thương mại Việt – Mỹ tiến triển thuận lợi và Mỹ chỉ áp thuế 20–25%. MSVN nâng dự báo lợi nhuận toàn thị trường và coi đây là kịch bản tích cực nhất cho chứng khoán Việt.
Bất chấp những biến động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Việt hồi đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng. VN-Index, sau khi giảm mạnh bởi thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam, đã nhanh chóng lấy lại phần lớn mức giảm nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm tín hiệu hạ nhiệt từ chiến tuyến Mỹ – Trung và kỳ vọng tích cực xoay quanh tiến trình đàm phán thuế song phương.

Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì tích cực, với mức tăng 13,2% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp dẫn đầu đang tận dụng tốt thời điểm này để mở rộng quy mô, gia tăng thị phần và cải thiện biên lợi nhuận.
MSVN đánh giá rằng, với triển vọng đàm phán thương mại Việt – Mỹ ngày càng rõ nét, các yếu tố ngoại lực tiêu cực sẽ dần suy yếu, đặc biệt khi gặp đối trọng từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và năng lực ứng phó linh hoạt của khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng giảm căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho định giá thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở cập nhật diễn biến mới, nhóm phân tích MSVN đã điều chỉnh tăng 5%–10% dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2025, đồng thời nâng mục tiêu VN-Index cho cuối năm. Trong kịch bản cơ sở, chỉ số có thể đạt mốc 1.300 điểm, trong khi kịch bản tích cực nhất có thể lên tới 1.500 điểm. Ở chiều ngược lại, kịch bản tiêu cực nhất được đưa ra là 1.050 điểm.
Về lợi nhuận, dự báo tăng trưởng của toàn thị trường trong kịch bản cơ bản là 7,7%–7,8%. Nếu các yếu tố hỗ trợ diễn biến thuận lợi, mức tăng trưởng có thể đạt 15%–15,7%. Tuy nhiên, nếu đàm phán không đạt được kết quả tích cực, khả năng tăng trưởng âm không bị loại trừ.
Liên quan đến chính sách thuế, MSVN đánh giá Việt Nam đang thể hiện thiện chí trong các vòng đàm phán, đồng thời theo đuổi chiến lược kiên nhẫn và thận trọng, xét tới bối cảnh địa chính trị và tương quan lực lượng đàm phán. Mức thuế cuối cùng mà Mỹ áp dụng có thể chịu ảnh hưởng lớn từ phản ứng của các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động tại Việt Nam cũng như quan điểm của các nhà đầu tư chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo MSVN, diễn biến gần đây của quan hệ Mỹ – Trung đã mở ra xác suất cao hơn cho kịch bản thuế 20–25% – một mức thuế được xem là “có thể chấp nhận” và là cơ sở của kịch bản tích cực nhất. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh gần đây cho thấy khả năng Washington áp thuế theo ngành thay vì áp dụng đồng loạt, điều này cũng có thể tạo tiền lệ tích cực cho Việt Nam.
Trong nước, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ. Theo MSVN, tổng quy mô các gói tài khóa đã được phê duyệt hoặc đang đề xuất vào khoảng 2,7%–2,9% GDP. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước và góp phần trung hòa tác động tiêu cực từ thuế quan, ít nhất là trong chu kỳ 2025–2026.
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với định hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng vẫn là những điểm sáng trong chiến lược ứng phó của Việt Nam.