Không chỉ là game, thể thao điện tử đang trở thành “mỏ vàng” của thế kỷ 21
Ngành thể thao điện tử toàn cầu đang đạt giá trị 1,6 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho Việt Nam.
Thể thao điện tử tăng trưởng toàn cầu, tạo dòng tiền hàng tỷ USD
Theo số liệu từ Newzoo, ngành thể thao điện tử (eSports) toàn cầu được định giá 1,6 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 1,87 tỷ USD vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) duy trì ổn định ở mức 7–8%, với hơn 600 triệu người theo dõi các sự kiện eSports trên toàn thế giới trong năm 2024.

Các khoản doanh thu chính của eSports bao gồm bản quyền phát sóng, tài trợ thương hiệu, quảng cáo, bán vé và hàng hóa liên quan đến các giải đấu chuyên nghiệp. Ngoài ra, doanh thu gián tiếp từ bán vật phẩm trong game và quảng bá thương hiệu thông qua nhân vật ảo hay streamer cũng đóng góp đáng kể. Theo đại diện VNGGames, đó mới chỉ là bề nổi của ngành công nghiệp này.
Một ví dụ điển hình là giải đấu LOL Worlds Championship 2024 tổ chức tại O2 Arena ở London, Anh, đã đóng góp tới 15,5 triệu USD cho nền kinh tế địa phương, bao gồm các khoản chi tiêu cho du lịch, khách sạn và các dịch vụ phụ trợ. Trước đó, mùa giải năm 2022 tổ chức tại San Francisco và New York cũng tạo ra khoảng 53 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt, bang Georgia được ghi nhận hưởng lợi tới 500 triệu USD và tạo ra 12.000 việc làm liên quan đến eSports.
Việt Nam nổi lên như một thị trường eSports tiềm năng
Tại Việt Nam, thể thao điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Theo Statista, doanh thu thị trường eSports năm 2024 tại Việt Nam ước đạt 7,2 triệu USD, và có thể tăng lên 10,4 triệu USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,72%/năm.
Số lượng người chơi game và tham gia giải trí điện tử tại Việt Nam hiện vào khoảng 28,2 triệu người, tương đương 28,7% dân số, trong đó hơn 10 triệu người theo dõi các giải đấu eSports. Những con số này cho thấy mức độ phổ biến và ảnh hưởng ngày càng lớn của eSports đối với văn hóa giải trí số ở Việt Nam.
VNGGames, một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp game tại Việt Nam, đánh giá rằng sự tăng trưởng này đang kéo theo hàng loạt cơ hội việc làm mới, từ streamer, biên tập nội dung, tổ chức giải đấu, đến phát triển phần mềm và truyền thông.
Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi của VNGGames, Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, tốc độ Internet cao nhất Đông Nam Á, chi phí vận hành phải chăng và tỷ lệ sử dụng smartphone lên tới 90% trong nhóm người trưởng thành. Những yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc để eSports phát triển không chỉ như một ngành giải trí, mà còn như một ngành kinh tế mới.
Từ sân chơi giải trí đến nền tảng truyền thông chuyên nghiệp
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phổ biến của eSports tại Việt Nam là sự công nhận ngày càng rõ ràng từ xã hội và các cơ quan truyền thông. Những năm gần đây, các giải đấu eSports trong nước và quốc tế đã được phát sóng rộng rãi trên các nền tảng truyền hình và kỹ thuật số.
Điển hình, VTVCab đã hợp tác cùng VNGGames để phát sóng toàn bộ hệ thống giải đấu của các trò chơi do doanh nghiệp này sở hữu bản quyền tại Việt Nam như Liên Minh Huyền Thoại, PUBG Mobile và Valorant. Hệ thống On Live eSports – một đơn vị thuộc VTVCab đóng vai trò sản xuất và phát sóng, góp phần đưa các giải đấu đến với đông đảo người hâm mộ trên toàn quốc.
Đây không chỉ là bước chuyển trong việc phổ cập eSports đến khán giả đại chúng, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng kênh truyền thông, tài trợ thương hiệu, và phát triển nền tảng nội dung số gắn liền với game.