Hàng hóa - Giá cả

Từng khiến hàng Pháp “lép vế”, thương hiệu Việt này vẫn trụ vững sau hơn trăm năm

Thanh Hằng 15/05/2025 20:00

Một thương hiệu Việt hơn trăm năm tuổi, gắn liền ký ức nhiều thế hệ.

Ít ai biết rằng, "cha đẻ" của thương hiệu xà bông Cô Ba - ông Trương Văn Bền - khởi nghiệp từ xưởng tinh dầu và nhà máy xay xát gạo, chứ không phải ngành hóa mỹ phẩm. Sinh năm 1883 trong một gia đình giàu có, ông từng làm ký lục thượng thư cho Pháp nhưng sớm từ bỏ để theo nghiệp thương nhân. Nhờ nhạy bén với thị trường và tài năng kinh doanh, ông mở rộng hoạt động sang sản xuất dầu dừa, từ đó hình thành ý tưởng sản xuất xà bông nội địa vào năm 1930.

xaphong1.png

Sự ra đời của xà bông Cô Ba: Khi người Việt tự hào dùng hàng Việt

Vào thời điểm thị trường Việt Nam ngập tràn sản phẩm xà bông Marseille nhập khẩu từ Pháp, ông Bền đã mạo hiểm bước vào phân khúc cao cấp – nơi trước đó chỉ hàng ngoại mới dám chen chân. Xà bông Cô Ba ra đời với thành phần chủ yếu là 72% dầu dừa, xút và hương liệu độc quyền, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa nhờ chất lượng vượt trội và giá thành hợp lý.

Không chỉ có công thức đặc biệt, điều khiến xà bông Cô Ba trở nên khó quên chính là chiến lược truyền thông và định vị thương hiệu thông minh của ông Trương Văn Bền. Hình ảnh người phụ nữ Việt phúc hậu in trên bao bì – được cho là vợ ông hoặc Hoa khôi Lục tỉnh đã khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng, tạo nên một bản sắc thương hiệu không thể trộn lẫn.

xaphong.jpg

Ngay từ những năm 1930, ông Bền đã hiểu rõ sức mạnh của quảng bá. Những đoàn hát lưu động biểu diễn tại chợ, những người giả làm khách hàng vào tiệm hỏi mua xà bông Cô Ba, hay dòng khẩu hiệu "Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam" đều là những chiến lược tiếp thị lan tỏa mạnh mẽ tinh thần dân tộc và kêu gọi ủng hộ hàng nội hóa.

Xà bông Cô Ba còn xuất hiện trên áo đấu bóng đá, trong các bản vọng cổ, cải lương, và trên các áp phích khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là một trong những thương hiệu Việt đầu tiên hiểu và làm đúng về khái niệm nhận diện thương hiệu, lâu trước khi cụm từ này phổ biến tại Việt Nam.

Thời hoàng kim và bước ngoặt sau năm 1975

Xà bông Cô Ba từng xuất khẩu sang Hương Cảng, châu Phi, Tân Đảo, là niềm tự hào của nền công nghiệp nhẹ Việt Nam. Nhưng sau năm 1975, công ty trở thành nhà máy hợp doanh thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, sau này liên doanh với tập đoàn Procter & Gamble. Tên tuổi Cô Ba dần mờ nhạt khi phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập hiện đại và chiến dịch truyền thông rầm rộ.

Dù vậy, điều đặc biệt là sản phẩm này chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Công ty Phương Đông, đơn vị kế thừa, vẫn duy trì sản xuất xà bông Cô Ba như một sản phẩm truyền thống, giữ lại mùi hương và bao bì nguyên bản.

Cục xà bông xanh lá, mùi thơm ngai ngái từ dầu dừa, là một phần không thể thiếu trong ký ức của nhiều người Việt. Những đứa trẻ ngồi bên giếng nước, má gội đầu cho bằng cục xà bông trơn tuột... Cảnh ấy trở thành biểu tượng của một thời khó khăn mà ấm áp.

xaphong2.png

Thế hệ trẻ hiện nay khi được trải nghiệm lại xà bông Cô Ba thường bất ngờ với cảm giác sạch sẽ, dễ chịu và... một chút hoài cổ. Không ít bạn trẻ còn dùng xà bông Cô Ba để trong tủ quần áo, tạo hương thơm tự nhiên thay vì dùng nước hoa công nghiệp.

Trong một thế giới đầy biến động của ngành FMCG và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu toàn cầu, việc xà bông Cô Ba vẫn tồn tại là một điều kỳ diệu. Đó không chỉ là sản phẩm tẩy rửa, mà còn là biểu tượng văn hóa, là ký ức được đóng gói bằng chất thơm, dầu dừa và lòng tự hào dân tộc.

Thanh Hằng