Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập Hà Tây: Quyết định từng gây bất ngờ, giờ thay đổi vị thế Thủ đô Hà Nội rõ rệt ra sao?

Nguyễn Trang 15/05/2025 17:18

Quyết định sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008 đã mở ra một chương mới trong phát triển Thủ đô, với những chuyển mình rõ rệt sau 17 năm.

Lịch sử hình thành tỉnh Hà Tây và những lần thay đổi địa giới

Tỉnh Hà Tây được thành lập ngày 1/7/1965 theo Quyết định số 103-NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Ban đầu, Hà Tây gồm hai thị xã Hà Đông (tỉnh lỵ), Sơn Tây và 14 huyện. Đến năm 1968, ba huyện Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai hợp nhất thành huyện Ba Vì, đánh dấu sự điều chỉnh địa giới đầu tiên sau sáp nhập.

Hà Tây
Tỉnh Hà Tây từng tồn tại trên bản đồ Việt Nam

Ngày 29/12/1975, tỉnh Hà Tây tiếp tục hợp nhất với Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Đến năm 1978, một phần lớn địa bàn – bao gồm hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và năm huyện – được chuyển về Hà Nội, nhưng Hà Đông vẫn tạm thời là tỉnh lỵ của Hà Sơn Bình. Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách trở lại thành Hà Tây và Hòa Bình. Hà Tây khi đó gồm hai thành phố Hà Đông, Sơn Tây và 12 huyện.

Trong giai đoạn 2006–2007, Hà Tây phát triển thêm về mặt hành chính khi lần lượt thành lập thành phố Hà Đông (12/2006) và thành phố Sơn Tây (8/2007). Trước thời điểm hợp nhất cuối tháng 7/2008, Hà Tây có 2 thành phố và 12 huyện.

Năm 2008: Dấu mốc sáp nhập lịch sử với Thủ đô

Ngày 1/8/2008, toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Hà Tây chính thức được sáp nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Đây là một trong những điều chỉnh địa giới hành chính lớn nhất từ sau năm 1975, nâng tổng diện tích Hà Nội lên hơn 3.300 km² – xếp thứ 17 trong số các thủ đô lớn nhất thế giới.

Thành phố Hà Đông trở thành quận nội thành của Hà Nội, còn Sơn Tây trở lại là thị xã. Riêng xã Tân Đức (huyện Ba Vì) được điều chỉnh về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

bản đồ Hà Nội
Bản đồ Hà Nội hiện nay - Việc sáp nhập với Hà Tây tạo cho biên giới phía tây hoàn toàn tựa vào núi, có thể nói đây là một vị trí phong thủy đẹp theo nhiều chuyên gia nhận định

Việc sáp nhập mở ra không gian phát triển mới, mở rộng dư địa quy hoạch, kết nối vùng đô thị trung tâm với khu vực nông thôn, miền núi phía Tây của Thủ đô. Đây cũng là bước chuẩn bị cho một Hà Nội phát triển bền vững, toàn diện cả về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Sau 17 năm: Hà Nội khẳng định vị thế mới sau sáp nhập

Từ năm 2008 đến 2024, Hà Nội ghi nhận những bước phát triển đáng kể. Dân số tăng từ 6,2 triệu lên 8,7 triệu người. GRDP Thủ đô năm 2024 đạt 6,52%, cao hơn mức 6,27% của cùng kỳ năm trước. Quy mô kinh tế đạt khoảng 58 tỷ USD – gấp 4 lần so với năm 2008, chiếm 1/8 nền kinh tế cả nước.

Hà Nội phát triển
Với vị thế là thủ đô, Hà Nội là một trong những thành phố phát triển nhất Việt Nam

Tổng thu ngân sách năm 2024 vượt 500.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, gấp 4 lần so với thời điểm sáp nhập. Hộ nghèo gần như không còn, chỉ còn 0,04% hộ cận nghèo – một con số cho thấy hiệu quả cải thiện đời sống rõ rệt.

Về văn hóa, Hà Nội sau sáp nhập đã mở rộng không gian bảo tồn di sản, đặc biệt là những giá trị văn hóa xứ Đoài. Các địa phương như xã Thượng Mỗ (Đan Phượng), xã Minh Quang (Ba Vì) là những ví dụ điển hình cho việc bảo tồn, phục dựng và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, cồng chiêng Mường.

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Hà Nội hiện có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn; toàn thành phố có 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nâng cao và 76 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Thành tựu này giúp Thủ đô dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 9/2024, huyện Thanh Trì là địa phương đầu tiên được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Nguyễn Trang