Thương hiệu thời trang Nhật "được lòng" giới trẻ nhờ... lỗi đánh máy
Không biển hiệu lớn, không chiêu trò – thương hiệu này vẫn khiến người ta xếp hàng dài.
Từ cửa hàng sinh viên đến đế chế thời trang tối giản
Năm 1963, Tadashi Yanai – chàng trai trẻ người Nhật bắt đầu tiếp quản cửa hàng may mặc nhỏ của cha mình ở tỉnh Yamaguchi. Từ ý tưởng về một không gian mua sắm tự phục vụ mà ông học được khi đến Mỹ, Tadashi đã biến cửa hàng thành nơi khách hàng có thể tự do lựa chọn, trải nghiệm sản phẩm mà không cần đến nhân viên tư vấn.

Năm 1984, cửa hàng mang tên Unique Clothing Warehouse chính thức ra đời tại Hiroshima, đánh dấu sự khởi đầu cho thương hiệu UNIQLO sau một lỗi đánh máy định mệnh. Từ "Uni-Clo", thương hiệu được đăng ký thành "Uniqlo" – một cái tên ngắn gọn, dễ nhớ và hoàn toàn phù hợp với triết lý tối giản của thương hiệu.
Trong khi nhiều thương hiệu thời trang liên tục chạy theo xu hướng, UNIQLO lại đi ngược dòng. Họ không sản xuất hàng loạt bộ sưu tập mỗi mùa, không đổi mới chóng mặt, mà tập trung cải tiến những sản phẩm cơ bản như áo thun, sơ mi, áo khoác trở nên tốt hơn qua từng năm.

Các công nghệ độc quyền như HEATTECH (áo giữ nhiệt), AIRism (vải siêu nhẹ, thoáng khí) hay Ultra Light Down (áo khoác nhẹ như quả táo) đã trở thành điểm nhấn tạo nên danh tiếng toàn cầu của UNIQLO. Những thiết kế tối giản nhưng bền bỉ, đa năng và ứng dụng cao chính là thứ khiến người tiêu dùng gắn bó lâu dài với thương hiệu.
Điều làm nên sự khác biệt của UNIQLO còn nằm ở cách họ thấu hiểu văn hóa địa phương – từ không gian mua sắm đến hoạt động tri ân khách hàng.
Tại Paris, cửa hàng UNIQLO Opera tọa lạc trong tòa nhà cổ kính xây từ năm 1866, được cải tạo giữ nguyên kiến trúc đặc sắc, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Tại Hà Nội, UNIQLO Hoàn Kiếm không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi trưng bày văn hóa địa phương – từ các món ăn đặc trưng, nghệ thuật dân gian đến phong cảnh hồ Gươm.
UNIQLO tại Việt Nam
UNIQLO gia nhập Việt Nam năm 2019 với cửa hàng đầu tiên tại Parkson Lê Thánh Tôn (TP.HCM). Đây được đánh giá là một trong những cửa hàng có thiết kế ấn tượng nhất toàn cầu của thương hiệu. Chỉ một năm sau, UNIQLO mở rộng ra Hà Nội với cửa hàng lớn tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, rồi nhanh chóng hiện diện tại nhiều thành phố lớn.

Tính đến năm 2023, UNIQLO có 19 cửa hàng tại Việt Nam, trải dài từ TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng đến Bình Dương. Sự hiện diện ngày càng dày đặc này phản ánh mức độ đón nhận mạnh mẽ của người tiêu dùng Việt với phong cách tối giản, đề cao tính thực tế và chất lượng lâu dài.
UNIQLO không đơn thuần là một thương hiệu thời trang. Họ xây dựng cả một hệ sinh thái phong cách sống dựa trên sự đơn giản, bền bỉ và đầy tinh tế. Mỗi chiếc áo, mỗi thiết kế đều mang trong nó một triết lý: “Tôi không muốn khách hàng nói UNIQLO rẻ, tôi muốn họ nói UNIQLO xứng đáng” – Tadashi Yanai từng chia sẻ.
Triết lý này cũng giải thích lý do vì sao người Việt – đặc biệt là giới trẻ ngày càng yêu mến thương hiệu. Giữa thị trường thời trang đầy biến động, UNIQLO giữ được sự ổn định, không cần chạy theo trend vẫn luôn hiện diện.