Chuyển động

TIG tăng vốn, mở rộng “sân chơi” bất động sản từ nghỉ dưỡng đến nhà ở xã hội

Hồng Giang 14/05/2025 06:43

TIG dồn lực cho Vườn Vua, đẩy mạnh M&A dự án sạch, mở rộng sang nhà ở xã hội và đặt mục tiêu tăng tốc trong giai đoạn 2025-2030.

Chuẩn bị tăng vốn gấp đôi, dồn lực cho Vườn Vua

Ngày 13/5, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, công bố kết quả kinh doanh năm 2024 cùng kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2025.

ĐHĐCĐ TIG
TIG tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào sáng 13/5

Theo đó, năm 2024, TIG ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.618 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 1.405,1 tỷ đồng, tăng 26%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 237,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 176 tỷ đồng.

Dù chưa đạt kỳ vọng, ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân đến từ việc tái cấu trúc danh mục đầu tư và dồn lực cho các dự án trọng điểm, nhằm tạo bệ phóng cho giai đoạn bứt phá 2025-2030.

Tại Đại hội, HĐQT đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua 2 đợt chào bán cổ phiếu. Trong đợt đầu tiên, công ty sẽ phát hành 193,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 50 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nâng vốn điều lệ từ 1.936 tỷ đồng lên hơn 4.372 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn huy động sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng (200 tỷ đồng) và đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án "Khu du lịch, biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng Vườn Vua" tại Phú Thọ (1.736 tỷ đồng).

Đợt phát hành thứ 2 dự kiến sẽ huy động 500 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ, trong đó 400 tỷ đồng tiếp tục đầu tư vào dự án Vườn Vua, 100 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, TIG cũng tạm dừng kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE. Theo đánh giá của HĐQT, thị trường chứng khoán hiện tại vẫn tiềm ẩn nhiều biến động và chưa đủ điều kiện thuận lợi để chuyển sàn. Việc chuyển niêm yết sẽ được xem xét lại khi thị trường ổn định hơn trong tương lai.

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Hồ Ngọc Hải làm Tổng giám đốc và đồng thời là người đại diện theo pháp luật cùng với ông Nguyễn Phúc Long - Chủ tịch HĐQT.

Đẩy mạnh M&A các dự án sạch, mở rộng nhà ở xã hội phục vụ lực lượng vũ trang

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Phúc Long - Chủ tịch HĐQT cho biết trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, phần lớn các doanh nghiệp, kể cả nhiều tập đoàn lớn đều gặp khó khăn, chỉ một vài doanh nghiệp lớn còn nguồn hàng để bán, TIG đã nỗ lực chắt chiu cơ hội, duy trì đầu tư xây dựng để có sản phẩm bán ra, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024.

ông Nguyễn Phúc Long
Ông Nguyễn Phúc Long - Chủ tịch HĐQT TIG phát biểu tại ĐHĐCĐ

Ngoài ra, TIG cũng tập trung mạnh vào việc cơ cấu lại nguồn lực, triển khai các thương vụ M&A với các dự án sạch, có tiềm năng pháp lý rõ ràng, trong đó có hợp tác đáng chú ý với dự án 202 Hồ Tùng Mậu. Chủ tịch Nguyễn Phúc Long cũng chia sẻ, chính sách tài chính của DN vẫn được duy trì ổn định, ưu tiên sử dụng vốn chủ sở hữu, hạn chế tối đa vay nợ.

Bước sang năm 2025, ông Nguyễn Phúc Long cho biết, TIG dự kiến sẽ mở rộng sang lĩnh vực nhà ở xã hội phục vụ lực lượng vũ trang, với một số quỹ đất đang làm việc với Bộ Công An. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tài chính chiến lược và M&A nhằm đa dạng hóa danh mục, tạo nền tảng dòng tiền ổn định cho phát triển bền vững.

Cụ thể, năm 2025, TIG đặt mục tiêu bước vào giai đoạn tăng tốc với nhiều kế hoạch đột phá, trong đó bất động sản tiếp tục giữ vai trò trụ cột. Một loạt dự án chiến lược được triển khai như tổ hợp condotel gần 900 căn và phân khu Làng Nhật tại Vườn Vua Resort & Villas, dự án King Palace - TIG Tower dự kiến mở bán vào quý III - quý IV năm 2025, hoàn thành cuối 2026.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm như 202 Hồ Tùng Mậu, nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang tại Hà Nội và TP.HCM cũng nằm trong kế hoạch triển khai. Trên thị trường quốc tế, TIG tiếp tục duy trì danh mục đầu tư bất động sản tạo dòng tiền tại Hungary, đồng thời tái phân bổ nguồn lực đầu tư về Việt Nam.

Ngoài bất động sản, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp lực 3 mảng Tài chính - Chứng khoán - Công nghệ. Việc chứng khoán hóa dự án được coi là giải pháp để tăng thanh khoản và thu hút dòng vốn mới. Song song, TIG định hướng phát triển VIG thành công ty chứng khoán số hiện đại thông qua hợp tác với các định chế tài chính và ngân hàng, đồng thời mở rộng nền tảng dữ liệu tài chính Fitrade, phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Ở lĩnh vực xây dựng, TIG chủ động hình thành các liên danh tổng thầu với các nhà thầu lớn, thực hiện các dự án trong hệ sinh thái CLB Sao Vàng Đất Việt và đối tác tập đoàn lớn.

Giai đoạn 2025-2030 được TIG xác định là “kỷ nguyên vươn tầm”, với định hướng tái cấu trúc toàn diện cả danh mục đầu tư lẫn hệ thống tài chính - kế toán; đẩy mạnh đầu tư tài chính, M&A; phát triển nhà ở xã hội và các dự án nội đô trọng điểm.

Doanh nghiệp cũng thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ và AI trong quản trị - kinh doanh, đồng thời triển khai chiến lược “Go Global”, mở rộng thị trường quốc tế và tăng cường liên kết với các đối tác lớn.

Về cổ tức, TIG dự kiến duy trì tỷ lệ chi trả 10% trong năm 2025, thể hiện cam kết đảm bảo lợi ích ổn định cho cổ đông song song với chiến lược phát triển bền vững.

Trước tin đồn TIG bán công ty chứng khoán VIG cho Sacombank, ban lãnh đạo khẳng định đây là thông tin không chính xác. Sacombank hiện là đối tác tài chính của TIG, nhưng không có giao dịch mua bán VIG như những đồn đoán gần đây.

Với nền tảng ổn định, chiến lược rõ ràng và đội ngũ chuyên nghiệp, TIG cho biết đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và hiện đại hóa toàn diện.

Hồng Giang