Xu hướng

Trí tuệ nhân tạo âm thầm định hình thế giới mà con người không thể rút lui

Ngọc Linh 14/05/2025 5:00

AI thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người, liệu chúng ta còn có quyền rút lui khỏi sự chi phối của công nghệ này không?

Trong bài viết được đăng trên trang The Conversation, Tiến sĩ James Kang – chuyên gia Khoa học máy tính tại Đại học RMIT đã đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: Liệu con người còn có quyền sống ngoài vòng ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo hay không?

Tiến sĩ James Kang
Tiến sĩ James Kang chia sẻ về AI sẽ định hình tương lai

trí tuệ nhân tạo (AI) đang hứa hẹn mang lại sự tiện lợi và hiệu quả, thì hiện thực mà chúng ta đối mặt là một thế giới ngày càng bị công nghệ dẫn dắt – trong đó AI không chỉ hỗ trợ, mà đang thay thế cả một số khía cạnh quan trọng trong cuộc sống thường nhật. Đó không còn là viễn cảnh tương lai, mà là hiện thực đang dần rõ nét hơn mỗi ngày.

AI và quyền kiểm soát cuộc sống cá nhân

Tiến sĩ Kang nêu một tình huống điển hình: Bạn nộp hồ sơ xin việc, nhưng chưa đến tay nhà tuyển dụng, đơn của bạn đã bị hệ thống AI từ chối. Hay khi đi khám bệnh, quyết định điều trị được đưa ra bởi một cỗ máy mà bạn không thể đặt câu hỏi hay phản bác. Càng ngày, AI càng đảm nhiệm vai trò “người gác cổng” cho các dịch vụ thiết yếu: Chăm sóc sức khỏe, tài chính, tín dụng, tuyển dụng, mạng xã hội và các nền tảng chính phủ số.

Ở nhiều nơi trên thế giới, việc từ chối tương tác với AI không chỉ khó khăn mà gần như bất khả thi. Ví dụ, người dùng Facebook tại Australia không thể từ chối việc dữ liệu của mình được Meta sử dụng để huấn luyện các mô hình AI. Trong khi đó, các quyết định của AI dù mang tính quyết định đến cuộc sống lại rất khó để khiếu nại. Việc đòi quyền được phản hồi đôi khi phải kéo dài đến tòa án.

Điều đáng lo ngại hơn là những thiên kiến ngầm trong hệ thống AI. Nhiều công cụ tuyển dụng ưu ái những nhóm người nhất định; hệ thống tín dụng có thể từ chối đơn vay vốn chỉ vì thuật toán xác định bạn “không phù hợp”. Khi các dịch vụ thiết yếu phụ thuộc vào AI, thì những ai muốn sống ngoài thế giới đó có thể chịu thiệt thòi sâu sắc – không phải vì họ kém năng lực, mà vì họ không khớp với mô hình mà AI vạch ra.

Khoảng cách số và vấn đề nhân quyền trong thời đại AI

Tại những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, tỷ lệ người trưởng thành có kỹ năng số chỉ ở mức 12%. Nghĩa là phần đông dân số sẽ bị đẩy ra ngoài “vòng xoay công nghệ” không phải do thiếu ý chí, mà do không đủ điều kiện tiếp cận và thích ứng. Điều này tạo ra một rào cản xã hội sâu sắc: những người thành thạo công nghệ và chấp nhận AI sẽ trở thành “người được kết nối”, trong khi phần còn lại bị bỏ lại phía sau.

Theo Tiến sĩ Kang, đây không chỉ là vấn đề hiệu quả hay thiên kiến kỹ thuật mà là một cuộc chuyển đổi xã hội sâu sắc, làm thay đổi quyền lực và phân tầng trong xã hội. “Khi AI chi phối các hệ thống vận hành hàng ngày, quyền được sống một cuộc sống không bị điều phối bởi máy móc trở thành điều xa xỉ”, ông nhận định.

Chúng ta không thể để các hệ thống đưa ra quyết định trong bóng tối, rồi gật đầu chấp nhận chỉ vì không có công cụ chất vấn. Sự phụ thuộc vào AI nếu không được kiểm soát sẽ làm mờ ranh giới giữa tiện ích và áp đặt, giữa hỗ trợ và chi phối.

Giải pháp: quyền được lựa chọn và hiểu biết công nghệ

Theo quan điểm của chuyên gia RMIT, điều cấp thiết là xã hội cần quyền được từ chối AI. Quyền lựa chọn sống không phụ thuộc vào AI phải được tôn trọng như một nguyên tắc nhân quyền – không bị kỳ thị, không bị tước quyền tiếp cận dịch vụ cơ bản.

Bên cạnh đó, hệ thống AI cần minh bạch hóa quy trình ra quyết định. Những hệ thống tuyển dụng, điều trị y tế hay chấm điểm tín dụng vốn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người phải dễ hiểu, có thể giám sát và truy trách nhiệm khi cần thiết.

Một khía cạnh không thể thiếu là đầu tư vào "bình dân học vụ số" – nghĩa là mọi người cần được trang bị kiến thức cơ bản để hiểu cách công nghệ đang tác động đến mình. Sự hiểu biết này không chỉ bảo vệ họ trước những ảnh hưởng tiêu cực của AI, mà còn trao cho họ quyền phản hồi và định hướng tương lai của chính mình.

Cuối cùng, Tiến sĩ Kang nhấn mạnh: “AI đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần cốt lõi trong cuộc sống hiện đại. Nhưng để đảm bảo tự do, nhân phẩm và sự công bằng, con người cần giữ quyền lựa chọn – kể cả quyền được sống bên ngoài tầm ảnh hưởng của AI.”

Ngọc Linh