Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập Đồng Nai – Bình Phước: Cú bắt tay tạo ra “siêu tỉnh” với quy mô kinh tế gần 550.000 tỷ đồng?

Tuấn Anh 13/05/2025 11:06

Sau khi sáp nhập với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có quy mô GRDP đứng trong nhóm đầu cả nước, diện tích trên 12.737 km² và dân số hơn 4,3 triệu người.

Sáp nhập Đồng Nai – Bình Phước: Tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương, Việt Nam sẽ còn 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, trong đó tỉnh Đồng Nai mới được hình thành từ việc hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại Đồng Nai hiện nay, đảm bảo sự ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

TP Biên Hòa
Đồng Nai có các chỉ số về kinh tế vượt trội so với Bình Phước

Cả hai địa phương đều có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển. Đồng Nai vốn là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, còn Bình Phước đang vươn lên mạnh mẽ với cơ cấu kinh tế cân bằng giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, năm 2023, GRDP của Đồng Nai đạt trên 448.978 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với Bình Phước (99.748 tỷ đồng). Sau sáp nhập, tổng GRDP của tỉnh Đồng Nai mới ước đạt 548.726 tỷ đồng, đưa tỉnh này vào nhóm những địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Về cơ cấu kinh tế, Đồng Nai tập trung vào công nghiệp – xây dựng (chiếm 58,5% GRDP) và dịch vụ (24,5%), trong khi Bình Phước có sự phân bổ cân bằng hơn với công nghiệp – xây dựng chiếm 42,89%, dịch vụ 31,19% và nông lâm thủy sản 22,12%. Sự kết hợp này hứa hẹn mang lại sự phát triển hài hòa, bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Về thu ngân sách nội địa, Đồng Nai đạt 40.498 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần so với Bình Phước (10.904 tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người của Đồng Nai đạt 135,6 triệu đồng/người/năm, trong khi Bình Phước chỉ đạt 95,4 triệu đồng/người/năm. Sau sáp nhập, thu nhập bình quân của người dân tỉnh mới dự báo sẽ tiếp tục tăng, cải thiện đáng kể chất lượng đời sống.

Cả hai địa phương đều là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, Bình Phước thu hút 48 dự án với tổng vốn đăng ký 739,2 triệu USD, trong khi Đồng Nai có 81 dự án với vốn đăng ký 467,3 triệu USD. Đáng chú ý, Đồng Nai đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn FDI đăng ký, cho thấy môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Về xuất khẩu, Đồng Nai duy trì kim ngạch ấn tượng, đạt 21,62 tỷ USD trong năm 2023, xếp thứ 8 cả nước. Dù giảm nhẹ so với năm trước, tỉnh vẫn khẳng định vị thế là trung tâm xuất khẩu quan trọng. Bình Phước, dù có quy mô khiêm tốn hơn, lại ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 13,1%, đạt 4,7 tỷ USD.

Sắp xếp lại đơn vị hành chính: Tinh gọn, hiệu quả

Ngày 9/5, Chính phủ đã chính thức ban hành các nghị quyết liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và cấp xã năm 2025.

Đồng nai sắp xếp đvhc
Tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục công việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã

Theo đó, Nghị quyết số 125/NQ-CP phê duyệt hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh do Bộ Nội vụ trình, trong khi Nghị quyết số 126/NQ-CP thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã cũng do Bộ Nội vụ đề xuất.

Riêng với phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Phước, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 2174 ngày 8-5-2025 trình Chính phủ phê duyệt.

UBND hai tỉnh đã xây dựng tổng cộng 88 phương án nhằm sắp xếp lại 263 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (gồm 198 xã, 51 phường và 14 thị trấn). Kết quả, sau sắp xếp sẽ hình thành 88 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm 21 phường và 67 xã, giảm 175 đơn vị so với hiện tại. Trong đó, tỉnh Đồng Nai xây dựng 50 phương án, còn tỉnh Bình Phước xây dựng 38 phương án.

Như vậy, sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có 95 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 23 phường và 72 xã, giảm 175 đơn vị, tương đương tỷ lệ giảm 64,81%. Trong tổng số đó, có 88 đơn vị được tổ chức lại, còn 7 đơn vị giữ nguyên hiện trạng.

Cụ thể, 7 đơn vị không thực hiện sắp xếp gồm 5 xã, phường thuộc tỉnh Đồng Nai: phường Tam Phước, phường Phước Tân (TP Biên Hòa), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), xã Đak Lua (huyện Tân Phú) và xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Hai đơn vị còn lại là xã Bù Gia Mập và xã Đăk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính này đã được lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp theo đúng quy định, với tỷ lệ cử tri đồng thuận đạt mức cao.

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích tự nhiên 12.737,18 km², vượt 255% tiêu chuẩn theo quy định. Dân số đạt 4.318.433 người, bằng 308% so với tiêu chuẩn, đưa tỉnh này trở thành địa phương đông dân thứ ba cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Tuấn Anh