Nông dân miền Tây “bỏ phố ra ao”, mỗi năm đút túi tiền tỷ nhờ "thứ kho báu" biết bơi này
Nhờ áp dụng mô hình công nghệ cao, nông dân Giang Thành và Hà Tiên không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn đạt lợi nhuận từ cả tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi tôm công nghệ cao – Hành trình làm giàu từ con tôm
Giữa cánh đồng xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, ông Huỳnh Văn Hải, 51 tuổi, là một trong những nông dân điển hình làm giàu từ nghề nuôi tôm. Khởi nghiệp với nghề này từ năm 2011, ông Hải không ngừng đầu tư và cải tiến kỹ thuật. Đến nay, ông đã sở hữu cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với 30 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.200m², được trang bị hệ thống điện 3 pha hiện đại với tổng chi phí đầu tư gần 1,4 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt trong mô hình của ông Hải là việc lót bạt đáy ao, bố trí 30% diện tích cho hệ thống ao lắng lọc nhằm xử lý nguồn nước lấy trực tiếp từ kênh. Toàn bộ quy trình nuôi tôm được thực hiện bài bản, khoa học, có sự phân công lao động và ứng dụng thiết bị hỗ trợ cho ăn tự động.
Mỗi năm, ông Hải xuất bán khoảng 80 tấn tôm, chủ yếu loại tôm cỡ 30 con/kg, rất được thương lái Campuchia và thị trường phía Bắc ưa chuộng. Tổng lợi nhuận hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm giờ nhàn lắm, có điện 3 pha, đường bê tông vào tận ao, công nhân làm việc theo ca. Tôi chỉ cần giám sát và tính toán đầu ra hợp lý là ổn,” ông Hải chia sẻ.
Giữa mùa nắng, tôm vẫn khỏe nhờ công nghệ hiện đại
Ở TP Hà Tiên, ông Lưu Minh Châu cũng đang khẳng định thương hiệu với mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên tổng diện tích 12 ha, chia làm 3 khu vực. Hiện ông sở hữu 16 ao nuôi có diện tích từ 1.400 – 2.000m², toàn bộ đều được lót bạt, lắp đặt hệ thống siphon đáy và đặc biệt là hệ thống sụt chlorine tự động để xử lý nước, ngăn ngừa mầm bệnh.

Dù đang vào mùa nắng gắt, ông Châu cho biết, “Nắng nóng tôm khỏe hơn ngày mưa” nhờ môi trường ao nuôi được kiểm soát tốt. Trung bình mỗi năm, ông Châu nuôi 3 vụ, mỗi ao thu hoạch khoảng 6 tấn tôm. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá tôm loại 30 con/kg có thời điểm lên tới gần 200.000 đồng/kg, giúp lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục.
Điểm khác biệt trong mô hình của ông Châu là kỹ thuật thu tỉa thưa, giảm mật độ nuôi sau mỗi đợt thu hoạch, giúp tôm trong ao phát triển nhanh và hạn chế rủi ro dịch bệnh. Tôm loại nhỏ được xuất khẩu sang Campuchia, tôm lớn vận chuyển ra Bắc, đảm bảo đầu ra ổn định, thu hoạch rải vụ hiệu quả.
Nuôi tôm bền vững, hướng đi cho nông dân thời hiện đại
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, ông Huỳnh Văn Hải còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông hiện là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Giang Thành và nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Con trai ông Hải đang theo học ngành thủy sản, chuẩn bị kế thừa và phát triển thương hiệu tôm sạch Trà Phô. Đây cũng là minh chứng cho hướng đi bền vững của nghề nông hiện đại – chú trọng kỹ thuật, an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Với những thành công đạt được, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hai nông dân này đang mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân, khẳng định rằng: chăm chỉ, dám đầu tư và biết ứng dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa để làm giàu bền vững.