Mô hình mới

Mùa "lộc đỏ" về, nông dân Gia Lai đếm tiền không xuể từ thứ đặc sản ngọt lịm, thu bạc triệu chỉ sau vài ngày

Tuấn Anh 12/05/2025 12:34

Nông dân Kbang (Gia Lai) bước vào mùa thu hoạch với sản lượng và giá bán cao, nhiều hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới.

Trái ngọt từ những khoảnh đất nhỏ

Mỗi độ cuối tháng 4, trên những vườn đồi ở huyện Kbang (Gia Lai), cây vải lại bước vào mùa chín rộ. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, cộng với kỹ thuật canh tác ngày càng được cải thiện, trái vải Kbang sớm cho quả ngọt, mẫu mã đẹp, không trùng với chính vụ các tỉnh phía Bắc. Đây cũng chính là lợi thế để sản phẩm này có đầu ra thuận lợi, giá bán cao và trở thành nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

cây vải của gia đình chị Trần Thị Bông (thôn 3, xã Nghĩa An) bắt đầu chín rộ, bán giá cao
Cây vải của gia đình chị Trần Thị Bông (thôn 3, xã Nghĩa An) bắt đầu chín rộ, bán giá cao (Ảnh: Báo Gia Lai)

Tận dụng hơn 40m² đất trống bên hông nhà, chị Trần Thị Bông (thôn 3, xã Nghĩa An) trồng 3 cây vải từ năm 2015. Đến nay, những cây vải nhỏ năm nào đã cho thu hoạch mùa thứ 4. Nếu như năm ngoái mỗi cây chỉ cho chưa đến 10kg quả vì thời tiết thất thường, thì năm nay, nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc, tưới tiêu hợp lý và kích thích ra hoa, mỗi cây cho từ 70-90kg quả.

Chị Bông vui vẻ chia sẻ: “Cuối tháng 4, vải đã chín rộ, bà con hàng xóm mua hết làm quà biếu dịp lễ 30/4. Du khách về Kbang tham quan cũng hỏi mua nhiều nhưng tôi không còn vải để bán. Giá vải đầu mùa bán ngay tại vườn từ 40-45 ngàn đồng/kg, thu về gần 8 triệu đồng, cao gấp 3 lần vụ trước.”

Nhà vườn lớn “được mùa, được giá”

Tại thị trấn Kbang, ông Nguyễn Xuân Hoàng đang bước vào mùa thu hoạch vườn vải 200 cây của gia đình. Những ngày đầu mùa, ông lựa chọn các chùm quả mọng, đẹp mắt để cung ứng thị trường. Nhằm giữ được độ tươi ngon, gia đình ông chủ yếu thu hoạch vào sáng sớm rồi nhanh chóng đưa ra chợ hoặc bán thẳng cho thương lái.

Năm nay, vườn vải có thể đem lại lợi nhuận cho ông Nguyễn Xuân Hoàng (tổ 3, thị trấn Kbang) hơn 300 triệu đồng
Năm nay, vườn vải có thể đem lại lợi nhuận cho ông Nguyễn Xuân Hoàng (tổ 3, thị trấn Kbang) hơn 300 triệu đồng (Ảnh: Báo Gia Lai)

Theo ông Hoàng, chỉ khoảng mười ngày nữa vườn vải sẽ chín rộ, lúc đó thương lái đến tận vườn thu mua hết. Với sản lượng dự kiến 12-14 tấn quả/năm, giá bán ổn định, ông kỳ vọng thu về từ 300-360 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Hướng tới sản xuất VietGAP, không lo đầu ra

Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường, năm 2021, UBND thị trấn Kbang thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong Kbang với 14 thành viên, canh tác trên 14ha vải theo hướng VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc khắt khe, vải Kbang có mẫu mã đẹp, cùi dày, nhiều nước, vị ngọt thanh, hơi chua nhẹ, được thị trường ưa chuộng. Từ năm 2024, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rồng Đỏ (TP.HCM), nên không còn nỗi lo về đầu ra. Mỗi thành viên có thu nhập ổn định từ 200-250 triệu đồng/năm.”

Chị Phạm Thị Như Linh, tiểu thương chợ Kbang, cho biết: “Dù giá đầu mùa cao hơn chính vụ từ 10-15 ngàn đồng/kg, nhưng vải vẫn bán rất chạy, đặc biệt là để làm quà biếu. Mỗi ngày, tôi bán từ 30-50kg vải, khách mua nhiều lắm.”

Hiện giá vải đầu mùa dao động từ 40-55 ngàn đồng/kg, tăng 3-5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Ngọc Giàu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kbang cho biết, những năm qua địa phương tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật trồng vải hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

“Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các HTX và địa phương xây dựng mã vùng trồng. Đây là điều kiện cần thiết để vải Kbang khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường và tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng vải”, bà Giàu chia sẻ.

Tuấn Anh