Mô hình mới

Trên mảnh đất cằn cỗi, nông dân Long An cưỡi thứ này mỗi ngày vẫn hái ra tiền, mỗi con trị giá cả chục triệu đồng

Nguyễn Trang 12/05/2025 6:00

Nghề truyền thống này ở Long Hựu Tây giúp nông dân thoát nghèo giữa vùng đất nhiễm phèn, không thể trồng trọt.

Nghề xưa “cha truyền con nối” giữa lòng cù lao

Tại vùng đất cù lao Long Hựu thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nơi mà mỗi năm người dân chỉ có 6 tháng nước ngọt, còn lại là nước mặn, cuộc sống mưu sinh của nông dân gặp muôn vàn khó khăn. Đất đai nhiễm phèn nặng, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, hơn 300ha đất vẫn bị bỏ hoang vì không thể canh tác. Tuy nhiên, giữa điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ấy, nghề nuôi trâu – một công việc tưởng chừng lỗi thời lại trở thành cứu cánh giúp nhiều hộ dân ổn định thu nhập.

Ông Trần Văn Khoắn (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi trâu
Ông Trần Văn Khoắn (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi trâu (Ảnh: Báo Long An)

Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây chia sẻ: “Đất nhiễm phèn, thiếu nước ngọt khiến trồng trọt, chăn nuôi heo hay khóm đều thất bại. Nhưng chỉ có nghề nuôi trâu là phù hợp và mang lại thu nhập tương đối ổn định”.

Không giống như ở nhiều nơi khác, nghề nuôi trâu ở Long Hựu Tây không phải là phong trào nhất thời mà có lịch sử hơn một thế kỷ. Theo lời kể của nhiều cụ cao niên trong vùng, cách đây khoảng 50 năm, cứ 10 nhà thì có tới 6 nhà nuôi trâu. Trâu từng là “đầu cơ nghiệp” và cũng là phương tiện lao động không thể thiếu.

Ông Trần Văn Khoắn – một nông dân lớn tuổi sống tại xã kể rằng từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng cơ nghiệp nhờ con trâu đầu tiên. “Tôi từng bán trâu để mua đất, còn tiền thuê trâu đi cày giúp trang trải sinh hoạt. Nay tuy nghề không còn như xưa, nhưng gia đình tôi vẫn nuôi 10 con trâu, thu nhập 30-40 triệu đồng/năm, đủ để sống”.

Trâu quen đường, người nhẹ công chăm

Điều đặc biệt ở Long Hựu Tây là trâu không cần người chăn. Sáng mở chuồng, chiều trâu tự về. Nhờ tập quán sinh sống trên các cánh đồng cỏ hoang hóa, trâu không cần tốn thêm chi phí nuôi dưỡng, người nuôi nhàn hơn mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Võ Văn Đạt, người đã gắn bó với nghề nuôi trâu hơn nửa đời người, vẫn giữ nghề dù không còn làm ruộng. Hiện ông sở hữu gần 10 con trâu cái, hàng năm sinh sản từ 4–5 con. Nghé sau một năm có thể bán được 8–10 triệu đồng/con. Ngoài ra, ông còn nuôi trâu vỗ béo, mỗi con bán ra với giá 35–40 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 40–50 triệu đồng từ đàn trâu.

Định hướng phát triển bền vững

Xác định rằng nuôi trâu vẫn là nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương, UBND xã Long Hựu Tây đã chủ động tham mưu huyện triển khai dự án “Nuôi trâu vỗ béo” dành cho các hộ nghèo và cận nghèo. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ một con trâu giống để phát triển sinh kế.

Một trường hợp điển hình là bà Võ Thị Ngọc Cẩm – mẹ đơn thân, không nghề nghiệp ổn định. Nhờ được hỗ trợ trâu giống, bà có cơ hội ổn định cuộc sống và phấn đấu thoát nghèo. “Tôi sẽ chăm sóc tốt để tăng đàn, mong có thể thay đổi cuộc sống lâu dài” – bà Cẩm nói.

Mặc cho cơ giới hóa đã thay thế phần lớn vai trò của trâu trong sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi trâu ở Long Hựu Tây vẫn giữ được hơi thở truyền thống. Trên những cánh đồng hoang dại, hình ảnh đàn trâu thong dong gặm cỏ không chỉ là biểu tượng của sự yên bình, mà còn là kế sinh nhai bền vững cho những người nông dân kiên trì bám đất, giữ nghề.

Nguyễn Trang