Sáp nhập Thái Nguyên – Bắc Kạn: Vì sao không nên chọn tên ghép là Bắc Thái?
Giữ tên Thái Nguyên sau sáp nhập giúp ổn định pháp lý, tránh xáo trộn cho hơn 10.500 doanh nghiệp, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - chính trị của vùng.
Giữ tên Thái Nguyên – Đảm bảo sự ổn định và tính kế thừa
Việc hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong những vấn đề được đặt ra là lựa chọn tên gọi cho tỉnh mới sau sáp nhập. Theo đề án, Trung ương dự kiến giữ nguyên tên gọi Thái Nguyên thay vì sử dụng tên mới hoặc tên ghép như “Bắc Thái”. Đây được xem là phương án tối ưu, vừa đảm bảo tính kế thừa lịch sử, vừa tránh xáo trộn về pháp lý và nhận diện thương hiệu cho hơn 10.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương.

Tỉnh Thái Nguyên được thành lập từ năm 1831 dưới triều Nguyễn, là địa danh có bề dày lịch sử, văn hóa và đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nếu lựa chọn tên mới hoặc tên ghép như “Bắc Thái”, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Cụ thể, hơn 10.500 doanh nghiệp trên địa bàn sẽ phải điều chỉnh giấy tờ pháp lý, thay đổi con dấu, cập nhật thông tin trên các hệ thống quản trị, hợp đồng kinh tế, tài khoản ngân hàng… Những thủ tục này không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh, thậm chí làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc thay đổi tên gọi sẽ tác động trực tiếp đến công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và hình ảnh của địa phương trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc giữ ổn định thương hiệu địa danh là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.
Thái Nguyên – Đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của tỉnh mới
Xét về quy mô kinh tế, Thái Nguyên hiện là trung tâm công nghiệp trọng điểm của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt trên 165.000 tỷ đồng (tương đương 6,534 tỷ USD), đứng thứ 2/14 tỉnh trong khu vực. Thu ngân sách đạt hơn 20.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 tỉnh có nguồn thu lớn nhất cả nước.
Thái Nguyên còn sở hữu các khu công nghiệp lớn như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II… với hơn 220 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chủ lực, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh mới sau sáp nhập.
Với nền tảng kinh tế vững chắc, Thái Nguyên hoàn toàn đủ điều kiện trở thành trung tâm phát triển toàn diện của tỉnh mới, vừa kế thừa truyền thống lịch sử, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện đại.
Lợi thế về vị trí và hạ tầng, thuận lợi cho liên kết vùng
Thành phố Thái Nguyên, nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới, có vị trí trung tâm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cách Hà Nội chỉ 75km, Thái Nguyên kết nối thuận lợi với các tỉnh đồng bằng và khu vực biên giới phía Bắc.

Hạ tầng giao thông của Thái Nguyên hiện đã phát triển đồng bộ, với các tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn), và dự kiến tuyến cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2025-2030.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn nằm trên tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô, đóng vai trò then chốt trong kết nối liên vùng. Tuyến đường liên kết Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc dài hơn 42 km dự kiến hoàn thành trong quý II năm nay, sẽ tiếp tục thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế vùng.
Về đường hàng không, Thái Nguyên chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài chưa đầy 60km, thuận lợi cho giao thương quốc tế và kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mở rộng không gian đô thị, xây dựng trung tâm hành chính hiện đại
Thành phố Thái Nguyên hiện có quỹ đất đô thị lớn, thuận lợi cho việc mở rộng không gian phát triển, hình thành trung tâm hành chính - chính trị đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với quy mô của tỉnh mới.
Với định hướng phát triển đô thị thông minh, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - hành chính không chỉ của tỉnh mới mà còn của toàn vùng trung du, miền núi phía Bắc, đóng vai trò kết nối và thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.