Bộ đệm rủi ro mỏng dần, VIB còn bao nhiêu dư địa an toàn?
VIB báo lãi quý I giảm nhẹ nhờ giảm mạnh trích lập dự phòng, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu xuống thấp kỷ lục đang đặt ra câu hỏi về dư địa chống chịu rủi ro.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, HOSE: VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.420 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù vẫn hoàn thành khoảng 20% kế hoạch lợi nhuận năm, VNDIRECT cho rằng kết quả này được hỗ trợ đáng kể từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng, trong khi nhiều chỉ số cốt lõi đang có dấu hiệu suy yếu.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VIB trong quý I đạt 4.601 tỷ đồng, giảm 13,5% svck, phản ánh rõ áp lực từ thu nhập lãi thuần giảm 7,4% và thu nhập ngoài lãi giảm sâu tới 32,6%. Nguyên nhân chính là do biên lãi thuần (NIM) bị thu hẹp mạnh, xuống còn 3,04% (từ 4,0% cùng kỳ), trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm mạnh, nhưng chi phí vốn lại tăng nhẹ.
Mảng ngoài lãi cũng không tích cực, khi thu nhập từ phí dịch vụ giảm tới 50%, giao dịch ngoại hối giảm 60%. Dù vậy, khoản thu nhập khác tăng mạnh 51% – theo VNDIRECT, nhiều khả năng đến từ thu hồi nợ hoặc các khoản mục một lần – đã phần nào hạn chế mức giảm của TOI.
Trong bối cảnh đó, chi phí dự phòng giảm 55,4% svck là yếu tố then chốt giúp lợi nhuận không giảm sâu hơn. Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng giảm 6% svck. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) vẫn tăng lên 31,8%, do tốc độ giảm doanh thu nhanh hơn giảm chi phí.
Điểm đáng chú ý là chất lượng tài sản có dấu hiệu xấu đi. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng từ 3,6% lên 3,8%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống còn 38,6%, từ mức 49,8% một năm trước. VNDIRECT cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy bộ đệm rủi ro của VIB đang yếu đi, và việc nợ xấu tăng trong khi dự phòng giảm cần được theo dõi sát trong các quý tới.
Hiện cổ phiếu VIB giao dịch ở mức 17.550 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá mục tiêu 23.600 đồng mà VNDIRECT đưa ra, tương ứng tiềm năng tăng giá 34,5%. Với định giá P/E 7,3 lần, ROE đạt 16,4%, VNDIRECT vẫn duy trì khuyến nghị “Khả quan”, nhưng lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến chất lượng tài sản trong bối cảnh môi trường tín dụng còn nhiều biến động.