Chính sách - Đầu tư

Địa phương mất "ngôi vương" về diện tích sau sáp nhập vừa thu ngân sách gần 9.000 tỷ chỉ sau 4 tháng đầu năm

Nguyễn Trang 08/05/2025 15:35

Không còn là tỉnh có diện tích lớn nhất sau đợt sáp nhập hành chính toàn quốc, nhưng vẫn giữ vai trò chiến lược trong vùng Bắc Trung Bộ.

Bức tranh diện tích hành chính thay đổi sau khi thực hiện Đề án 759/QĐ-TTg

Ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, chỉ còn lại 23 tỉnh thành mới. Đề án được kỳ vọng giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khai thác tốt hơn các nguồn lực phát triển.

Nghệ An
Nghệ An hiện tại đang là tỉnh thành có diện tích lớn nhất Việt Nam

Trong bản đồ hành chính mới, tỉnh Nghệ An – từng được biết đến là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước không còn giữ vị trí này. Theo sắp xếp mới, Nghệ An xếp thứ 4 về diện tích, với 16.486,5 km². Dẫn đầu sau sắp xếp là tỉnh Lâm Đồng mới (hợp nhất Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận) với diện tích lên tới 24.233,1 km². Ngược lại, Hưng Yên mới (gồm Hưng Yên và Thái Bình) có diện tích nhỏ nhất – chỉ 2.514,8 km².

10 tỉnh có diện tích lớn nhất sau khi thực hiện sáp nhập (dự kiến):

STT
Tên tỉnh/thành phố mới (dự kiến)
Các tỉnh/thành phố hợp nhất (dự kiến)
Diện tích (km²)
1
Lâm Đồng
Lâm Đồng + Đắk Nông + Bình Thuận
24.233,10
2
Gia Lai
Gia Lai + Bình Định
21.576,50
3
Đắk Lắk
Đắk Lắk + Phú Yên
18.096,40
4
Nghệ An
Nghệ An
16.486,50
5
Quảng Ngãi
Quảng Ngãi + Kon Tum
14.832,60
6
Sơn La
Sơn La
14.109,80
7
Tuyên Quang
Tuyên Quang + Hà Giang
13.795,60
8
Lào Cai
Lào Cai + Yên Bái
13.257,00
9
Đồng Nai
Đồng Nai + Bình Phước
12.737,20
10
Quảng Trị
Quảng Trị + Quảng Bình
12.700,00

Điều đáng chú ý là Nghệ An nằm trong nhóm 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập, bên cạnh các địa phương như Hà Nội, Huế, Thanh Hóa hay Hà Tĩnh. Quyết định giữ nguyên Nghệ An không phải là ngẫu nhiên, mà dựa trên các tiêu chí như điều kiện địa lý, dân số, đặc điểm phát triển và vai trò vùng trung tâm.

Nghệ An thu ngân sách tăng trưởng tích cực

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra vào ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh công bố tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt hơn 8.980 tỷ đồng – tương đương bình quân gần 75 tỷ đồng mỗi ngày.

Kinh tế Nghệ An
Nghệ An là một trong những địa phương đầu ngõ quan trọng tại khu vực Bắc Trung Bộ cùng với Thanh Hóa, cũng là trọng tâm đầu tư phát triển của đất nước

Trong cơ cấu thu, khoản thu nội địa chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 8.389 tỷ đồng, hoàn thành 52,4% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, loại trừ các khoản thu từ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa còn lại vẫn đạt 5.411 tỷ đồng – tăng mạnh 19,2%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang dần phục hồi, đồng thời phản ánh hiệu quả của công tác quản lý thu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Khoản thu từ tiền sử dụng đất đóng góp 2.960 tỷ đồng, đạt 65,8% dự toán, dù có giảm nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 522,6 tỷ đồng, hoàn thành 32,1% kế hoạch và tăng 5,3% – tín hiệu lạc quan trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều bất định.

Tỉnh đặt mục tiêu cả năm 2025 thu ngân sách đạt 26.000 tỷ đồng, cao hơn gần 50% so với kế hoạch Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa không tính tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết dự kiến 13.955 tỷ đồng, thu từ đất đạt 10.270 tỷ đồng và xuất nhập khẩu 1.650 tỷ đồng. Đây sẽ là nền tảng tài chính vững chắc để Nghệ An triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế, hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.

Mặc dù không thực hiện sáp nhập, Nghệ An vẫn đóng vai trò then chốt trong vùng Bắc Trung Bộ. Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ và quy mô dân số lớn, tỉnh tiếp tục là điểm kết nối quan trọng giữa Bắc – Trung – Nam.

Nguyễn Trang