Cực thông minh, siêu robot này biết cảm nhận ngoại vật không khác gì con người
Robot mới này được tích hợp cảm biến xúc giác, giúp xử lý hàng hóa khéo léo như con người.
Công nghệ xúc giác – Bước đột phá của Vulcan
Amazon vừa trình làng Vulcan – robot trung tâm hoàn tất đơn hàng mới nhất tại sự kiện Delivering the Future tổ chức tại Đức ngày 7/5. Khác với hình dung thường thấy về các cỗ máy kim loại cứng nhắc, Vulcan mang trong mình những đặc tính gần với con người: khả năng “cảm nhận” khi tiếp xúc với hàng hóa, phân biệt vật phẩm và phối hợp hiệu quả với con người trong môi trường kho hàng.

Theo công bố từ Amazon, Vulcan là robot đầu tiên trong hệ thống của hãng có cảm giác chạm, được phát triển từ những tiến bộ mới trong kỹ thuật robot và trí tuệ nhân tạo vật lý. Cảm biến phản hồi lực giúp Vulcan xử lý hàng hóa một cách khéo léo, tránh làm hỏng vật phẩm – điều mà trước đây chỉ có con người mới thực hiện được hiệu quả.
Vulcan sử dụng hệ thống giác hút kết hợp với camera. Khi hút một mặt hàng, camera sẽ theo dõi và xác nhận đúng mục tiêu, tránh tình trạng lấy nhầm vật phẩm không cần thiết. Đây là một trong những giải pháp công nghệ giúp cải thiện độ chính xác trong việc xử lý đơn hàng, đồng thời tối ưu hóa năng suất vận hành kho.
Trợ lý, không phải người thay thế
Amazon nhấn mạnh rằng Vulcan được phát triển để hỗ trợ người lao động, không thay thế họ. Robot này chủ yếu làm việc ở các vị trí lưu trữ hàng hóa khó tiếp cận, chẳng hạn như ở độ cao cần dùng thang hoặc vị trí thấp buộc người lao động phải cúi người nhiều lần, dễ gây chấn thương nếu thao tác kéo dài.
Hiện Vulcan đang được triển khai tại các trung tâm hoàn tất đơn hàng ở Spokane (Mỹ) và Hamburg (Đức). Theo kế hoạch, Amazon sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Vulcan đến nhiều trung tâm tại Mỹ và châu Âu trong vài năm tới.
Vulcan có thể xử lý đến 75% các loại mặt hàng được lưu trữ trong kho hàng Amazon, từ tất, kem đánh răng đến các thiết bị điện tử nhỏ. Tuy nhiên, robot vẫn được lập trình để "nhận biết giới hạn", tức là khi gặp vật phẩm vượt ngoài khả năng xử lý, Vulcan sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ con người.
AI vật lý và học máy trong môi trường thực tế
Điểm khác biệt lớn của Vulcan so với nhiều thế hệ robot trước là việc tích hợp AI vật lý – hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng học hỏi từ chính các thao tác trong thực tế. Với mỗi lần xử lý đơn hàng, AI được huấn luyện để phân biệt, sắp xếp, đánh giá không gian lưu trữ, thậm chí nhận diện sự khác biệt giữa các loại bao bì như hộp giấy hay túi nhựa.
Amazon cho biết Vulcan không chỉ được học qua dữ liệu mô phỏng, mà còn tiếp tục học và điều chỉnh trong suốt quá trình vận hành. Chính điều này khiến robot ngày càng “thông minh” và thích nghi tốt hơn với hệ thống kho hàng phức tạp.
Tương lai của robot trong kho hàng: Hợp tác thay vì thay thế
Với hơn 750.000 robot đang được sử dụng trong các trung tâm hoàn tất đơn hàng, Amazon không xa lạ gì với công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, Vulcan đại diện cho một hướng đi mới: không đơn thuần là thay thế con người, mà là mở rộng khả năng làm việc của con người bằng công nghệ.
Nghiên cứu của hai nhà khoa học Rene de Koster (Đại học Erasmus – Hà Lan) và Debjit Roy (Viện Quản lý Ấn Độ Ahmedabad) đăng tải trên Harvard Business Review chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa người và robot vẫn là phương án hiệu quả, linh hoạt và tiết kiệm chi phí nhất cho các trung tâm phân phối hiện nay.