Giá vàng hôm nay 8/5/2025: Vàng như tàu lượn, nhà đầu tư “nín thở” theo từng nhịp
Vàng biến động liên tục trong ngày, tăng rồi giảm mạnh khiến nhà đầu tư phải dè chừng theo từng nhịp giá, phản ánh tâm lý thị trường đầy bất ổn.
Giá vàng trong nước
Sau khi lập đỉnh lịch sử 123 triệu đồng/lượng trong phiên trước, giá vàng trong nước đã bước vào ngày 7/5 với tâm thế đầy hồi hộp và nhiều cú "nhấn ga" bất ngờ. Mở cửa sáng 7/5, giá vàng miếng SJC tăng 500.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên trước, lên mức 120,7 – 122,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mang theo kỳ vọng tiếp tục phá đỉnh.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ấy, thị trường nhanh chóng chứng kiến một cú đảo chiều mạnh. Trong phiên, giá vàng lao dốc xuống chỉ còn 119,7 – 121,7 triệu đồng/lượng, tức giảm 1 triệu đồng mỗi lượng. Cú trượt giá diễn ra chóng vánh như một pha “tụt dốc không phanh”, khiến không ít nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn “đứng hình” vì không kịp trở tay.
Đến cuối phiên, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và nhiều thương hiệu lớn như Phú Quý, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... đồng loạt trở về mốc 120,2 – 122,2 triệu đồng/lượng – đúng bằng giá đóng cửa phiên ngày 6/5 và cũng là mức mở cửa đầu ngày 7/5.
Tương tự đối với vàng nhẫn, chốt phiên 7/5, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); không thay đổi ở cả hai chiều mua - bán so với hôm qua.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ở ngưỡng 117,5-120,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); không thay đổi ở cả hai chiều mua - bán so với hôm trước.
Như vậy, dù khởi đầu và kết thúc ở cùng một vị trí, nhưng hành trình của giá vàng trong phiên giao dịch ngày 7/5 lại không hề tẻ nhạt. Biến động trong ngày thể hiện rõ mức độ nhạy cảm và tâm lý dao động mạnh của thị trường vàng trong nước hiện nay.
Giá vàng quốc tế
Thị trường vàng quốc tế trong phiên giao dịch ngày 8/5 ghi nhận đà giảm mạnh khi kỳ vọng về tiến triển tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung lan rộng, khiến giới đầu tư có phần rời bỏ các tài sản phòng thủ. Tâm lý lạc quan này xuất hiện ngay trước thềm quyết định lãi suất quan trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày 6–7/5 (giờ Mỹ).
Lúc 00h50 ngày 8/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang giao dịch quanh ngưỡng 3.385,62 USD/ounce, giảm gần 30 USD so với 24 giờ trước đó. Việc giá vàng lao dốc phản ánh rõ sự thận trọng của nhà đầu tư khi dòng tiền bắt đầu chuyển hướng, bớt phụ thuộc vào vàng trong bối cảnh kỳ vọng Fed sẽ thực hiện ba lần giảm lãi suất trong năm 2025, thay vì bốn lần như trước đó.
Song song với đó, Mỹ và Trung Quốc cũng thông báo sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại tại Thụy Sỹ, góp phần làm dịu căng thẳng kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này phần nào xoa dịu những lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu, nhưng lại khiến nhu cầu phòng vệ bằng vàng sụt giảm trong ngắn hạn.
Dù vậy, thị trường vẫn chứng kiến những dòng vốn ổn định từ phía ngân hàng trung ương toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng này đã mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm 2024 – năm thứ ba liên tiếp duy trì mức mua ròng lớn. Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ vàng trong tháng 2/2025 lên 73,61 triệu ounce, tương đương giá trị hơn 208 tỷ USD.
Dự báo giá vàng
Trong khi thị trường phương Tây tỏ ra dè dặt khi vàng đã tăng quá nhanh, các nhà đầu tư châu Á – đặc biệt là Trung Quốc – vẫn giữ niềm tin vững chắc vào triển vọng dài hạn của kim loại quý. Chuyên gia chiến lược hàng hóa Daniel Ghali từ TD Securities nhận định rằng lực cầu từ nhà đầu cơ châu Á, cộng với vai trò tích trữ từ ngân hàng trung ương, sẽ là điểm tựa quan trọng cho giá vàng trong năm nay.
“Ở phương Tây, tỷ lệ sở hữu vàng vẫn còn khá thấp so với mức độ tăng giá, trong khi tại châu Á, vai trò của vàng như một kênh đầu tư truyền thống vẫn rất bền vững”, ông Ghali nói, đồng thời đưa ra dự báo táo bạo: giá vàng có thể tiến tới mốc 4.000 USD/ounce nếu các yếu tố hỗ trợ đồng loạt hội tụ – bao gồm lãi suất giảm, bất ổn địa chính trị và dòng tiền đầu tư quay lại mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, thị trường vàng vẫn cho thấy độ nhạy cảm lớn với tâm lý đám đông và biến động toàn cầu. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận rằng thị trường vàng trong nước chưa đạt trạng thái ổn định bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng và tâm lý đầu cơ.
Để khắc phục, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đẩy mạnh truyền thông, cập nhật minh bạch các định hướng điều hành, đồng thời phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tăng cường thanh – kiểm tra thị trường. Trong thời gian tới, việc sửa đổi Nghị định 24/2012 sẽ được thực hiện theo quy trình rút gọn, nhằm siết chặt quản lý nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt cho thị trường vàng trong nước.