Không làm cao tốc theo mô típ cũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, phương án mới tuy đắt hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn
Việc đầu tư xây dựng theo phương án này tại các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được xem xét như một phương án chiến lược.
So sánh chi phí đầu tư giữa hai phương án
Việc đầu tư các tuyến đường ô tô cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra những bài toán về kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Trong đó, phương án xây dựng cầu cạn thay vì nền đường đắp bằng cát đang được đánh giá là một lựa chọn đáng cân nhắc, khi tính đến cả vòng đời dự án.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế – Bộ Xây dựng, tổng chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu tính cả vòng đời dự án là 459,289 tỷ đồng/km, chỉ cao hơn 2,01% so với phương án đường cao tốc truyền thống. Con số này được xem là không quá lớn nếu xét trong bối cảnh các yếu tố dài hạn như chi phí bảo trì, duy tu và tác động đến tiến độ dự án.
Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá trên chi phí đầu tư ban đầu, cầu cạn lại có mức đầu tư cao hơn đáng kể, gấp 2,6 lần so với xây dựng đường cao tốc sử dụng nền đường đắp bằng cát. Điều này đặt ra câu hỏi liệu chi phí ban đầu có là yếu tố quyết định duy nhất trong việc lựa chọn phương án đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn.
Những yếu tố cần xem xét toàn diện
Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, Viện Kinh tế nhấn mạnh rằng các suất vốn đầu tư hiện hành chưa phản ánh đầy đủ toàn bộ chi phí phát sinh trong thực tế. Cụ thể, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xử lý nền đất yếu, lãi vay trong thời gian xây dựng và các yếu tố liên quan đến tác động môi trường đều chưa được tính đến khi so sánh suất vốn giữa hai phương án.
Thực tế, các dự án cao tốc đi qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường phải xử lý nền đất yếu với quy mô lớn. Nếu sử dụng phương pháp xử lý như bấc thấm và gia tải, tiến độ có thể kéo dài hơn 12 tháng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hoàn thành và chi phí toàn dự án.
Trong khi đó, phương án cầu cạn bằng bê tông cốt thép lại có lợi thế rõ ràng về tiến độ thi công do giảm thiểu nhu cầu giải phóng mặt bằng, ít chịu tác động từ yếu tố địa chất và thời tiết, giúp kiểm soát kế hoạch thực hiện tốt hơn.
Những bất cập từ phương án sử dụng nền đường cát đắp
Theo báo cáo, nền đường bằng cát đắp đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề nguồn cung cát. Tình trạng thiếu hụt cát xây dựng, khó kiểm soát giá và chất lượng, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường khai thác, đang khiến phương án này gặp nhiều rủi ro hơn trong thực tiễn.
Ngoài ra, việc sử dụng cát đắp nền chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu tư – khoảng 15-16%, tương đương 210.981 m³ cát/km – cũng khiến các dự án cao tốc ở khu vực này chịu sức ép lớn về chi phí vật liệu và ổn định mặt bằng.
Về mặt kỹ thuật, các tuyến đường sử dụng nền đắp có nguy cơ sụt lún, sạt lở trong quá trình vận hành, đòi hỏi chi phí bảo trì cao và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đặc biệt trong điều kiện địa chất phức tạp như tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Viện Kinh tế – Bộ Xây dựng cho rằng, dù phương án cầu cạn có chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng nếu tính toàn bộ vòng đời dự án (với thiết kế tuổi thọ 100 năm), chi phí tăng thêm chỉ khoảng 2%. Đồng thời, tính ổn định, ít bảo trì và tiến độ thi công chủ động là những lợi thế cần được xem xét trong các dự án trọng điểm.