Chính sách - Đầu tư

Tuyến cao tốc 4.000 tỷ phía bắc Hà Nội có thể sẽ được nâng cấp lớn

Nguyễn Trang 07/05/2025 15:35

Tuyến cao tốc phía bắc Hà Nội đang được đề xuất mở rộng từ 4 lên 10 làn xe theo hình thức PPP nhằm giải quyết tình trạng quá tải.

Cao tốc quá tải, nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô gấp đôi

Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang mới đây đã gửi văn bản đến Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam, chính thức đề xuất phương án mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang từ 4 làn lên 10 làn xe.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thời điểm hiện tại đã trở nên ùn tắc hơn rất nhiều vì số lượng các phương tiện ngày càng đông đúc

Theo văn bản của doanh nghiệp gửi các cơ quan chức năng, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí tuyến Hà Nội – Bắc Giang hiện đạt trung bình khoảng 53.500 lượt/ngày đêm. Con số này vượt xa mức lưu lượng mãn tải 46.000 lượt/ngày đêm được dự báo trong hợp đồng BOT ký từ trước. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, lượng xe tăng đều đặn với tốc độ 11% mỗi năm, khiến tuyến đường liên tục trong tình trạng ùn ứ, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

"Tình trạng gia tăng phương tiện đã khiến tuyến đường rơi vào quá tải, không còn đảm bảo tốc độ khai thác, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và làm tăng chi phí vận tải," phía CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang nêu rõ trong văn bản.

Trước thực trạng này, nhà đầu tư đề xuất mở rộng tuyến đường lên quy mô 10 làn xe, theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Việc mở rộng không chỉ nhằm nâng cao năng lực thông hành mà còn giảm thiểu chi phí xã hội do ùn tắc, đồng thời tăng tính kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Quy hoạch và thực trạng tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang

Tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài hơn 46 km, bắt đầu từ Km113+985 thuộc địa phận TP Bắc Giang và kết thúc tại Km159+100, gần trạm thu phí Phù Đổng cũ ở quận Long Biên, Hà Nội. Tuyến này được cải tạo từ Quốc lộ 1, theo tiêu chuẩn cao tốc với vận tốc khai thác 100 km/h và hiện có quy mô 4 làn xe.

Dự án chính thức đi vào khai thác từ tháng 4/2016 và bắt đầu thu phí từ tháng 5 cùng năm, với thời hạn thu phí dự kiến kéo dài 21 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 4.000 tỷ đồng, do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, gồm: Công ty CP Đầu tư Văn Phú, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Đông Sơn, Vinaconex và Ocean Group.

Hiện trạng tuyến cho thấy đoạn từ Bắc Giang đến cầu Như Nguyệt có nền đường rộng 33 m, còn đoạn từ cầu Như Nguyệt đến cuối tuyến có nền đường rộng 34 m. Đây là một trong những tuyến cửa ngõ quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các khu vực công nghiệp, logistic và trung tâm hành chính lớn.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn Hà Nội – Bắc Giang sẽ được mở rộng lên 8 làn xe. Tuy nhiên, đề xuất của nhà đầu tư nâng quy mô lên 10 làn đã đi trước so với quy hoạch hiện hành, nhằm giải quyết sớm tình trạng quá tải.

Với vị trí địa lý kết nối Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, tuyến Hà Nội – Bắc Giang giữ vai trò là một phần của trục cao tốc xuyên vùng. Việc nâng cấp tuyến đường không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt lưu lượng giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại cho toàn bộ vùng.

Nguyễn Trang